Chuyển biến tích cực trong xây dựng nông thôn mới

Năm 2015, tỉnh ta có 3 xã: Chiềng Xôm (Thành phố), Mường Giàng (Quỳnh Nhai) và Chiềng Ban (Mai Sơn) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là kết quả quan trọng, thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, tích cực tham gia của người dân vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường vào trung tâm xã Chiềng Lương (Mai Sơn).

 

Với quan điểm thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở, trước hết phải tạo sự đồng thuận của nhân dân, năm 2015, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực tại chỗ, đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, điều hành, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương, cơ sở.

Tổng huy động các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2015 gần 9.350 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 2.930 tỷ đồng, vốn tín dụng thương mại 5.800 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp, HTX và đầu tư của nhân dân 383 tỷ 419 triệu đồng, huy động đóng góp của nhân dân 294 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ 132 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, tỉnh ta đã phân bổ cho 188 xã xây dựng nông thôn mới, được thực hiện theo thứ tự ưu tiên 102 xã đặc biệt khó khăn, 24 xã nghèo, 12 xã phấn đấu đạt từ 15 đến 18 tiêu chí và các xã còn lại. Từ nguồn vốn trên, các huyện, xã đã đầu tư xây dựng 325 công trình, trong đó hoàn thành đưa vào sử dụng 138 công trình đường giao thông nông thôn, 24 công trình thủy lợi, 13 công trình trạm y tế, 32 trường học, 5 công trình cấp nước, 42 nhà văn hóa, 3 chợ nông thôn, 4 công trình điện và 3 trụ sở xã. Đồng thời, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, toàn tỉnh đã thực hiện bê tông gần 1.400 tuyến đường, tổng chiều dài gần 130 km, trong đó Nhà nước hỗ trợ 148 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 314 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được quan tâm. Các ngành, địa phương đã triển khai kịp thời kế hoạch hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án. Vận động nhân dân phát triển sản xuất gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới, đầu tư thâm canh nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác và tích cực tham gia trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Trong năm, toàn tỉnh đã mở 1.889 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ xã, bản và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho gần 80.400 lượt nông dân. Đến hết năm 2015, giá trị thu nhập bình quân 1 ha đạt 34 triệu đồng, đời sống người dân khu vực nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 23,5%, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 35%. Ngoài 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 22 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 99 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 61 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Tuy nhiên, do mức thu nhập của người dân khu vực nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, nên việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Hoạt động của ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa thực sự chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; chưa phát huy hết khả năng trong nhân dân, nhiều điểm dân cư quy mô nhỏ, phân bố rộng dẫn đến chi phí xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng lớn, hết năm 2015 vẫn còn 14 xã chỉ đạt từ 1-2 tiêu chí.

Mục tiêu năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu đạt bình quân 7,5 tiêu chí/xã, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã cơ bản đạt 15-18 tiêu chí, 41 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 85 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 3 tiêu chí. Tập trung ưu tiên nâng cấp đường giao thông đến trung tâm xã, bê tông hóa đường nội xã, bản, có 160 xã có đường ô tô đi được 4 mùa; đầu tư xây dựng mới các công trình cấp điện lưới quốc gia, trường học, nâng cấp trạm y tế. Đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên 18 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% so với năm 2015, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên đạt 90%. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Làm tốt công tác tuyên truyền, huy động sự đóng góp của nhân dân, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo được niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới