Chuyển biến công tác dân số ở Sông Mã

Với những nỗ lực trong việc làm thay đổi nhận thức của đồng bào, những người làm công tác dân số ở Sông Mã đã giảm dần tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên và thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn về công tác dân số - KHHGĐ...

 

Cán bộ chuyên trách dân số xã Nậm Mằn thống kê số liệu về phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Đến hết năm 2015, dân số huyện Sông Mã có trên 142.000 người; trong đó có hơn 40.000 phụ nữ tuổi từ 15 đến 49. Những năm qua, huyện luôn xác định rõ tầm quan trọng của công tác dân số - KHHGĐ, nhất là trong lộ trình phát triển KT-XH và công cuộc xoá đói giảm nghèo của một huyện biên giới. Do vậy, cùng với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp uỷ đảng, chính quyền, huyện đã thu hút được sự tham gia của toàn xã hội và 462 cộng tác viên dân số tại các bản. Do vậy, từ một huyện gặp nhiều khó khăn trong tuyên truyền, triển khai công tác dân số - KHHGĐ, có tỷ lệ cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên chiếm tỷ lệ cao thì nay những vấn đề đó đã dần được giải quyết, công tác dân số của huyện đã thu được những kết quả đáng kể.

Việc kiện toàn đội ngũ cán bộ ban chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ từ huyện đến các xã, thị trấn luôn được chú trọng, góp phần đảm bảo số cán bộ, cộng tác viên dân số ở cơ sở đủ năng lực, đảm bảo công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về hoạt động này. Để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu trong chiến dịch CSSKSS-KHHGĐ tại các xã, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện đã huy động các nguồn lực cùng các ban, ngành, tổ chức xã hội vào cuộc, phát huy vai trò của lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên của chương trình và các trưởng bản, già bản, người có uy tín ở cộng đồng để vận động từng đối tượng, đến từng nhà thuyết phục, tư vấn cho mọi người cùng tham gia thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ. Cùng với đó, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, tổ chức xã hội triển khai tốt các chương trình mục tiêu về công tác DS-KHHGĐ. Qua đó, năng lực và trình độ của đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ từ cấp huyện đến xã, bản ngày một nâng cao; khả năng tham mưu và điều phối các hoạt động của lĩnh vực DS-KHHGĐ ngày một đáp ứng với yêu cầu công việc. Riêng trong năm 2015, Sông Mã đã cấp phát hàng ngàn ấn phẩm truyền thông tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ; gần 22 ngàn lượt người được tư vấn; tuyên truyền, vận động trực tiếp tại 18.000 hộ; tổ chức 5.376  buổi sinh hoạt nhóm, chuyên đề, văn nghệ, chiếu video, truyền thanh tại các bản nhằm tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ; đẩy mạnh các hoạt động nói chuyện chuyên đề sinh hoạt câu lạc bộ, tư vấn can thiệp giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 208 bản đặc biệt khó khăn thuộc 14 xã vùng III của huyện Sông Mã. Từ những nỗ lực và cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, Sông Mã đã đảm bảo tỷ lệ giới tính giữa nam và nữ; tỷ lệ sinh con thứ 3 tiếp tục giảm mạnh với  237 bản không có người sinh con thứ 3 trở lên; có trên 82% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp KHHGĐ; duy trì mức giảm sinh 0,3‰; 100% xã, thị trấn có Ban Chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ.

Ông Trần Văn Hoan, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Sông Mã, cho biết: Ở Sông Mã, trong chiến lược truyền thông, chúng tôi luôn đặc biệt chú ý và tập trung vào vùng sâu, vùng xa có mức sinh cao. Thực tế cho thấy vấn đề truyền thông với vùng khó khăn, vùng dân tộc có nét đặc thù riêng, cần phải lấy tình cảm, từng bước vận động, không nóng vội và cần hiểu một cách sâu sắc phong tục tập quán, kinh tế, văn hoá của mỗi dân tộc để tuyên truyền, thuyết phục. Trên cơ sở đó, phải bám nắm tốt từng địa bàn để đưa ra những giải pháp đặc thù nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác dân số - KHHGĐ. Nhờ vậy, mấy năm gần đây, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, nhận thức của nhân dân về dân số-KHHGĐ có chuyển biến tích cực, giúp người dân hiểu rằng đẻ nhiều cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới nghèo nàn, lạc hậu và đã tự nguyện chấp nhận một trong các biện pháp tránh thai phù hợp với hoàn cảnh; người dân tại các vùng sâu, vùng khó khăn đã nhận thức được mô hình có từ 1 đến 2 con là hợp lý.

Cái được lớn nhất trong công tác DS-KHHGĐ ở Sông Mã là nhận thức của người dân chuyển biến rõ rệt; đại bộ phận cộng đồng các dân tộc trong huyện đã hiểu và chấp nhận quy mô gia đình từ 1 đến 2 con là no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững, để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngọc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới