Công trình thủy điện Sơn La là thủy điện lớn và phải di dân tái định cư có quy mô lớn nhất ở nước ta. Xây dựng công trình là vận hội lớn đối với các tỉnh Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng; là thời cơ để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững.
Là tỉnh có vùng ngập lòng hồ thủy điện khoảng 16.000 ha, gồm 3 huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu với 17 xã, 169 bản và trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai phải di chuyển. Đây là nhiệm vụ nặng nề, là thách thức lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vì liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống đồng bào các dân tộc. Dự án được triển khai trong điều kiện địa hình phức tạp và bị chia cắt mạnh; hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông chưa được đầu tư trước; công tác quy hoạch các khu, điểm tái định cư được tiến hành đồng thời với công tác bố trí dân đến tái định cư, do đó không được chủ động xây dựng để đồng bào lựa chọn. Đối tượng di chuyển chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác tuyên truyền, vận động, giải thích phải kiên trì và đồng bộ.
Nhận trách nhiệm cao trước Trung ương và nhân dân cả nước, rút kinh nghiệm từ Dự án di dân TĐC thủy điện Hòa Bình và trên cơ sở nghiên cứu Thông báo kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc Hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 28-6-2003 về lãnh đạo công tác di dân tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 17-9-2004 về lãnh đạo công tác bồi thường, di dân, tái định cư thuỷ điện Sơn La và chỉ đạo ban hành nhiều văn bản khác để làm cơ sở thống nhất thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, quyết định thành lập bộ máy để tổ chức thực hiện nhiệm vụ từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm thống nhất quan điểm chỉ đạo.
Thực hiện Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Sơn La của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành công tác thẩm định và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu, điểm TĐC. Công tác quy hoạch bố trí di dân tái định cư gắn liền với điều chỉnh dân cư, bố trí sản xuất và phân bố lại lao động cho phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm cho việc triển khai xây dựng đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư và các công trình phục vụ tái định cư, nhất là ưu tiên xây dựng các công trình thiết yếu (đường, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, san nền nhà, trường, lớp học, trạm xá, nhà văn hóa...) đáp ứng được nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt cho các vùng đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh; gắn việc tổ chức tái định cư với xây dựng nông thôn mới bằng các hình thức thích hợp, đảm bảo nhân dân đến tái định cư và sở tại có điều kiện sống tốt hơn.
Với tinh thần “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo di dân tái định cư từ tỉnh đến cơ sở do đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban để chỉ đạo, đảm bảo huy động được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Công tác tuyên truyền, vận động đã được cụ thể ở từng cấp, từng ngành, từng đoàn thể chính trị - xã hội; đồng thời tăng cường các cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, uy tín, am hiểu phong tục tập quán và tình hình địa phương để về các bản “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc’’. Với những giải pháp và hướng đi đúng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã thực hiện hoàn thành di chuyển an toàn tuyệt đối 12.584 hộ dân ở 3 huyện, 17 xã, 169 bản đến tái định cư tại 70 khu, 276 điểm tái định cư thuộc 8/12 huyện, thành phố trong tỉnh. Công tác di chuyển dân tái định cư đã đáp ứng được tiến độ, góp phần quan trọng vào việc khánh thành Nhà máy thủy điện Sơn La sớm 3 năm so với kế hoạch, đem lại lợi ích to lớn cho đất nước.
Công tác ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân tái định cư tại nơi ở mới được đặc biệt quan tâm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể nơi tiếp nhận dân tái định cư, vận động nhân dân nơi sở tại nhường đất, nhường nguồn nước và giúp đỡ các hộ tái định cư dựng lại nhà để ổn định chỗ ở; đồng thời tiến hành đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất và tổ chức giao đất cho các hộ dân tái định cư phát triển sản xuất. Đến nay, đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho 11.648 hộ gia đình; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất cho 10.128 hộ; duyệt, thanh toán tiền đền bù và hỗ trợ với 7.761 phương án, cho 12.584 hộ tái định cư và 15.985 hộ dân sở tại. Thực hiện phát triển sản xuất bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của vùng; tích cực chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho các hộ dân; hướng dẫn các hộ dân tái định cư phát triển các loại cây trồng mới như: góp giá trị quyền sử dụng đất để trồng cây cao su, đầu tư trồng chè, phát triển chăn nuôi đại gia súc, xây dựng các mô hình nuôi cá lồng, cá tầm trên lòng hồ thủy điện; phát triển các ngành nghề dịch vụ, tăng thu nhập cho các hộ dân tái định cư. Đến nay, thu nhập bình quân tại các điểm tái định cư đạt 1,28 triệu đồng/người/tháng (thời điểm trước khi di chuyển dân năm 2005, thu nhập của các hộ vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là 0,34 triệu đồng/người/tháng); tỷ lệ hộ nghèo đối với các hộ tái định cư là 18,13% (năm 2005 là 42,71%); tỷ lệ nhà ở kiến cố đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng là 75%; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 99%; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường, tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học vùng tái định cư đạt 100%, tỷ lệ phổ cập giáo dục Trung học cơ sở là 99%; số điểm tái định cư ổn định, có điều kiện phát triển là 169/276 điểm (chiếm 61%), số điểm tái định cư cơ bản ổn định, có khả năng phát triển là 88/276 điểm (chiếm 32%), số điểm chưa ổn định sẽ có khả năng ổn định là 19/276 điểm (chiếm 7%). Cùng với đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tập trung củng cố hệ thống chính trị tại các khu điểm tái định cư, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự điều hành của chính quyền, hoạt động của các đoàn thể đồng bộ, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự vùng di dân tái định cư thủy điện Sơn La.
Thành công của Dự án di dân tái định cư là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương và các tỉnh bạn; sự đoàn kết, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La.
Bên cạnh những thành tích to lớn đã giành được, công tác ổn định đời sống, sản xuất của các hộ dân tái định cư còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung lãnh đạo giải quyết: Lực lượng lao động trong vùng tái định cư tương đối lớn nhưng chủ yếu là lao động nông nghiệp và chưa qua đào tạo (chiếm khoảng 68,7% tổng số lao động); tỷ lệ lao động chuyển dịch sang các ngành nghề khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn thấp, mới đạt khoảng 6,8%. Việc tăng cường đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyên lâm thực hiện chuyển giao và hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho các hộ tái định cư còn hạn chế. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân tái định cư hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế.
Để tiếp tục ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào vùng tái định cư thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình và các công trình thủy điện khác trên địa bàn tỉnh, đang đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng tái định cư giai đoạn 2 thủy điện Sơn La và giai đoạn 4 thủy điện Hòa Bình.
Hai là, tập trung chỉ đạo, thực hiện ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân vùng tái định cư, triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất; hỗ trợ chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo ổn định bền vững đời sống của các hộ dân tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!