Trong 2 ngày (10 và 11-11), các đồng chí: Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các huyện Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai đã khảo sát lòng hồ thủy điện Sơn La; thăm và làm việc với tỉnh Lai Châu.

Đoàn công tác của tỉnh đã đi thực địa khảo sát lòng hồ thủy điện Sơn La; nghe quy hoạch về phát triển, khai thác tuyến đường thủy, bến thủy nội địa trên khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La; quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; dự thảo quy hoạch phát triển thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Tuyến đường thủy vùng lòng hồ thủy điện Sơn La từ đập thủy điện Sơn La đến hạ lưu đập thủy điện Lai Châu dài khoảng 175km, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Đề án khai thác vận tải, hiện đang được cắm phao tiêu, biển báo để công bố tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Quy hoạch đến năm 2020, đầu tư xây dựng 4 cảng thủy nội địa, nâng cấp 25 bến hàng hóa và hành khách, quy hoạch 104 bến khách ngang sông. Đến nay, từ nguồn vốn di dân TĐC thủy điện Sơn La, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng 69 bến khách ngang sông với quy mô bến đất.
Đồng chí Hoàng Văn Chất chủ trì cuộc làm việc của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong chuyến khảo sát lòng hồ thủy điện Sơn La.
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thuộc địa phận các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, có vị trí thuận lợi với tuyến quốc lộ 279, quốc lộ 6B, nối với quốc lộ 6 và 32, thuận lợi kết nối với tuyến du lịch Điện Biên - Lai Châu - Lào Cai. Với khí hậu trong lành, hệ thống cảnh quan mặt nước lớn, các đảo, bán đảo, các điểm tham quan nổi bật, sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa các dân tộc thiểu số, tạo điều kiện phát triển du lịch. Các sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Tham quan, ngắm cảnh thiên nhiên bằng du thuyền; các khu nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ kết hợp với thưởng thức ẩm thực; tham quan các nhà máy thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, Nậm Chiến; du lịch cộng đồng: tham quan các làng, bản, trải nghiệm nghỉ homestay, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Về phát triển thủy sản vùng lòng hồ, hiện đã có cơ sở nuôi cá tầm và các cơ sở nuôi các loại cá truyền thống bằng hình thức nuôi cá lồng. Dự kiến sẽ phát triển các loại cá da trơn...
Các thành viên trong đoàn công tác đã thảo luận, đánh giá về tiềm năng, lợi thế vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trong phát triển vận tải, du lịch và nuôi, trồng thủy sản. Đồng thời, đề xuất các giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng lòng hồ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã định hướng về một số nội dung trọng tâm như: Công tác quy hoạch, khai thác tiềm năng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trong phát triển đường thủy nội địa; phát triển du lịch lòng hồ và nuôi trồng thủy sản, trong đó, chú ý gắn kết vận tải, du lịch và phát triển nuôi, trồng thủy sản. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan quan tâm rà soát, xây dựng các bến đò, các điểm dừng nghỉ phục vụ giao thông vận tải, phát triển thủy sản và quảng bá du lịch; trồng rừng bên lòng hồ thủy điện, tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Trong chuyến công tác, Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với tỉnh Lai Châu. Đón và làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy; Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số sở, ban, ngành của tỉnh Lai Châu. Đoàn công tác của tỉnh đã thăm vùng trồng cao su ở huyện Sìn Hồ, khu quảng trường, tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu”, trung tâm hành chính của tỉnh và khu hành chính các cơ quan Thành phố Lai Châu, thủy điện Lai Châu.
Đoàn công tác của tỉnh thăm Trung tâm hành chính và Quảng trường tỉnh Lai Châu.
Tại cuộc làm việc với tỉnh Lai Châu, lãnh đạo hai tỉnh đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương, trong đó có công tác quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh, các huyện, thành phố...
Tỉnh Lai Châu được chia tách và thành lập năm 2004. Giai đoạn 2006-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân 7,9%/năm. Tiềm năng, lợi thế thủy điện được khai thác, phát huy; dự án thủy điện Lai Châu có công suất 1.200 MW, bản Chát 220 MW... Từ khi chia tách đến nay, thị xã Lai Châu được quy hoạch khang trang, sạch đẹp và được nâng cấp lên thành phố năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,2%/năm, đến nay còn 20,48%.
Đồng chí Hoàng Văn Chất đã chúc mừng những thành tựu của tỉnh Lai Châu đạt được sau hơn 10 năm chia tách và thành lập. Đặc biệt là công tác quy hoạch xây dựng đô thị, Khu trung tâm hành chính - chính trị tỉnh, Quảng trường Nhân dân, công tác chỉ đạo triển khai trồng cây cao su; di dân TĐC các công trình thủy điện; xây dựng nông thôn mới... Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo hai tỉnh mong muốn trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố của hai tỉnh cần tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau phát triển, trong đó, tập trung phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện sông Đà thuộc hai tỉnh Sơn La - Lai Châu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!