Ngày 4-11, đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với một số doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ cà phê trên địa bàn.

Dự cuộc làm việc có đồng chí Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; các huyện: Thuận Châu, Mai Sơn và Thành phố. Năm 2015, diện tích cà phê toàn tỉnh trên 11.700 ha, trong đó gần 9.000 ha cho thu hoạch, chủ yếu tập trung ở Mai Sơn (3.524 ha), Thuận Châu (3.163 ha), Thành phố (4.418 ha), sản lượng cà phê nhân ước đạt gần 13.000 tấn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua, chế biến cà phê; trong đó có một số doanh nghiệp lớn, như Doanh nghiệp tư nhân cà phê Minh Tiến; Công ty TNHH thương mại Cát Quế... đã xây dựng dây chuyền sản xuất trên địa bàn tỉnh, ký hợp đồng thu mua, đầu tư phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê cho nông dân. Tuy nhiên, việc sơ chế từ cà phê quả sang cà phê thóc vẫn được nhiều hộ nông dân thực hiện với quy mô nhỏ lẻ, máy móc thô sơ, chưa đáp ứng được nhu cầu trong vụ thu hoạch chính vụ, dẫn đến chưa bảo đảm chất lượng cà phê và gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, trên 70% sản phẩm cà phê Sơn La được xuất khẩu, nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cà phê Sơn La. Theo quy hoạch đến năm 2020, quy mô cà phê của tỉnh khoảng 13.000 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 24.000 tấn, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ cũng như giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ.
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Hoàng Văn Chất đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ thành lập các HTX trồng, chăm sóc cà phê làm đầu mối tiếp nhận hỗ trợ theo chính sách của tỉnh và là đại diện của các hộ nông dân ký hợp đồng thu mua sản phẩm với các doanh nghiệp; xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, chế biến cà phê theo Nghị định 210 của Chính phủ, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến từ cà phê quả sang cà phê thóc, trong đó đặc biệt chú ý đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường. HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc hỗ trợ sản xuất cà phê theo các chính sách của tỉnh và Chính phủ. Ngành Nông nghiệp và PTNT tổ chức đánh giá hiệu quả mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cà phê theo công nghệ Israel; chỉ đạo tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng cà phê; mở rộng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cà phê gắn với bón phân hòa tan. Các huyện, thành phố phối hợp với lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình thu mua, chế biến cà phê, giúp nông dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!