Ba đến năm thập kỷ, đó là quãng thời gian mà những người con quê gốc Hưng Yên gắn bó với miền biên giới huyện Yên Châu (Sơn La). Những tên bản, tên thôn luôn là sự kết nối tình cảm giữa quê mới và quê cũ.
Bản Chiềng Hưng, xã Yên Sơn (Yên Châu) hôm nay.
Chuyến đi đầu xuân theo tỉnh lộ 103 mang đến một cảm xúc thật lạ, bồi hồi, xao xuyến trước những khung cảnh hiện lên trước mắt và những mường tượng về cuộc sống của bao người dân miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới. Bắt đầu từ ngã ba Tà Làng, con đường nhỏ, quanh co đưa chúng tôi đến với bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng, nơi có hơn 200 hộ dân của huyện Kim Động (Hưng Yên) lên định cư đã hơn 30 năm. Đến Yên Thi, tôi vỡ lẽ một điều, không phải nơi nào “biên giới” cũng là miền đất xa xôi, gian khó, với những núi đồi trập trùng gió reo, những buổi chiều buồn man mác. Ở đây, biên giới cũng xa xôi với điệp trùng núi non nhưng nơi bản nhỏ này lại toát lên một sức sống mạnh mẽ, trù phú với thung lũng trải dài phủ màu xanh mướt của cà phê, của vườn tược, cây trái. Giữa màu xanh ấy là những ngôi nhà khang trang, những con đường bê tông dẫn vào từng ngõ nhỏ. Núp mình sau những ngôi nhà xây, nhiều ngôi nhà gỗ mang kiến trúc của vùng Bắc Bộ vẫn được bà con nơi đây gìn giữ. Ngôi nhà gỗ truyền thống của gia đình ông Bùi Tiến Lực mang đến một cảm giác hoài cổ với cây kiểng trước nhà, cây cau ở góc sân, cạnh đó là cây bích đào hoa nở rộ. Ông Lực bồi hồi nhớ lại: Năm 1985, chỉ có 96 hộ lên xây dựng kinh tế mới ở đây rồi đặt tên bản là Yên Thi. Sau 30 năm, cuộc sống giờ đây đã đông vui, sung túc hơn nhiều, khác xa với cảnh khai hoang, vỡ đất ngày nào khi mọi người mới đặt chân đến.
Qua Yên Thi chừng hơn 10km, chúng tôi thêm ngỡ ngàng trước sự đông vui, tấp nập của xã vùng biên Phiêng Khoài. Nằm dọc trên tuyến đường 103, khu trung tâm xã là nơi những người gốc miền xuôi đang sinh sống và làm việc. Hơn 50 năm gắn bó, thôn Kim Chung, xã Phiêng Khoài ngày càng đông đúc, nhộn nhịp, nay đã tách thành 3 thôn riêng biệt, thôn Kim Chung 1 đông nhất với 222 hộ. Đây là khu vực chung chuyển hàng hóa của 4 xã biên giới và xã Yên Sơn của huyện nên sầm uất hơn hẳn. Trong dịp Tết Nguyên đán, Kim Chung càng nhộn nhịp người mua, kẻ bán, xe cộ đi lại tấp nập. Chính những người dân miền xuôi khi lên xây dựng kinh tế mới tại đây đã góp sức khiến việc giao thương hàng hóa ở vùng biên giới này ngày càng phát triển. Trưởng thôn Kim Chung 1 Trần Văn Khang hồ hởi: Đều là người từ Hưng Yên lên xây dựng kinh tế mới, người dân nơi đây ai cũng cần cù, chịu khó, luôn biết tìm tòi hướng đi mới trong cách làm kinh tế, phấn đấu làm giàu. Cuộc sống ngày càng ổn định, Tết đến, nhà nhà quây quần, thôn xóm tổ chức giao lưu hát múa mừng Đảng, mừng Xuân, không khí đầm ấm, chan hòa, mọi người lại thêm đoàn kết, gắn bó và thêm yêu quê hương thứ hai nơi miền biên giới này.
Tiếp tục chuyến đi dọc theo tỉnh lộ 103 về hướng Cò Nòi, ấn tượng nhất là những vườn mận trải dài đang mùa kết trái. Đến bản Thanh Yên trong một buổi chiều nắng nhẹ, những đồi chè quanh bản đang đâm trồi, chuẩn bị cho lứa chè xuân sau tết. Người dân ở đây ban đầu là công nhân của Xí nghiệp chè thuộc Nông trường Yên Châu năm 1978. Sau khi Xí nghiệp chè giải thể, họ vẫn quyết tâm ở lại bám trụ mảnh đất mới, vẫn hàng ngày làm bạn với cây chè mà họ từng gắn bó những ngày đầu lên lập nghiệp. Thanh Yên ngày nay đã đông vui hơn, chia tách thành 2 bản nằm liền kề. Sau nhiều năm gắn bó, tình yêu đã dần bén rễ với miền đất nơi họ chọn làm bến đỗ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!