Ghi ở bản tái định cư Quỳnh Lương

“Gần 10 năm sống trên quê mới nhưng người dân vẫn giữ những nét đẹp của bản mường, cả bản tụ họp vào dịp lễ tết để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Vẫn nhà sàn, ăn cơm nếp, chỉ có cách làm kinh tế, phương thức canh tác thì thay đổi nhiều hơn và hiệu quả cũng cao hơn”. Đó là lời chia sẻ của ông Lường Văn Em, Trưởng bản Quỳnh Lương, xã Chiềng Chăn (Mai Sơn) khi nói về cuộc sống của người dân nơi đây sau nhiều năm tái định cư trên quê mới.

Bản Quỳnh Lương luôn duy trì hoạt động của các đội văn nghệ.   Ảnh: Thanh Tùng

 

Năm 2008, bản Quỳnh Lương có 36 hộ dân từ xã Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai chuyển về tái định cư tại đây. Đến nay, số hộ của bản đã tăng lên thành 42 hộ với gần 200 nhân khẩu. Bà con khi chuyển đến đây đã nhanh chóng bắt kịp cách làm kinh tế ở vùng đất mới để từng bước ổn định cuộc sống. Bản có hơn 20 ha ngô, 17ha sắn, là nguồn thu chính của người dân trong bản. Ngày mới đến, bà con chỉ trồng một vụ ngô mỗi năm, nhưng giờ đây người dân Quỳnh Lương đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng thêm vụ ngô đông xuân, tăng thu nhập cho gia đình. Ngoài trồng ngô, sắn, bà con còn chăn nuôi gia súc, gia cầm làm hàng hóa. Cuộc sống của bản Quỳnh Lương mỗi năm đổi thay tích cực hơn, bản chỉ còn 3 hộ nghèo, thu nhập của bà con trong bản đạt trên 8 triệu đồng/người/năm, nhiều hộ có mức sống khá giả.

Gia đình ông Lò Văn Yêu là một trong những hộ đi đầu trong phát triển kinh tế của bản.  Năm vừa rồi, gia đình ông mở rộng mô hình chăn nuôi với 40 con lợn, 20 con dê, 100 con gà, cùng với trồng ngô, sắn, thu nhập cả năm đạt gần 100 triệu đồng. Ông Yêu chia sẻ: Nhờ chăn nuôi, gia đình có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn và có điều kiện để mua sắm thêm các đồ dùng sinh hoạt cho gia đình.

Với truyền thống về phong trào văn hóa văn nghệ từ những ngày còn ở Quỳnh Nhai, nên khi đến định cư ở quê hương mới, người dân Quỳnh Lương vẫn giữ nếp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ sôi nổi. Bản luôn duy trì 2 đội văn nghệ, luyện tập thường xuyên. Trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng, hay các dịp biểu diễn chào mừng những sự kiện lớn của xã đều không thể thiếu sự góp mặt của đội văn nghệ Quỳnh Lương. Những điệu múa nón, múa quạt của dân tộc Thái cùng giai điệu ngân vang của đàn tính tẩu đã trở thành “thương hiệu”, của Quỳnh Lương, góp thêm vào phong trào văn hóa văn nghệ của xã Chiềng Chăn.

Chị Điêu Thị Nhượng, đội trưởng đội văn nghệ bản Quỳnh Lương nói: Ở đây, văn nghệ là một phần của cuộc sống. Ngày tết, ngày lễ hay dịp kỷ niệm trong năm, dân bản tụ họp đều không thể thiếu hoạt động văn hóa, văn nghệ. Những ngày đầu đến Quỳnh Lương, văn nghệ còn giúp mọi người gắn kết hơn.

Cùng với việc duy trì tốt hoạt động văn nghệ, Quỳnh Lương còn là bản đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa của xã. Người dân trong bản luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất. Những quy ước, hương ước bản đề ra quy định về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... đều được người dân trong bản thực hiện nghiêm túc. Những con đường, con ngõ, nhà văn hóa bản luôn được chi đoàn, chi hội phụ nữ phân công dọn dẹp thường xuyên, sạch sẽ. Các đoàn thể duy trì hoạt động hiệu quả, phát huy vài trò tại địa phương.

Sau gần 10 năm tái định cư ở quê mới, người dân bản Quỳnh Lương không những nhanh chóng ổn định cuộc sống mà còn tích cực duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, làm phong phú đời sống tinh thần của bà con, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại xã Chiềng Chăn.

Tặng Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới