Hiệu quả chương trình tín dụng giải quyết việc làm

Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Sơn La đã triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu tăng trưởng, tập trung bảo đảm chất lượng tín dụng, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Mô hình nuôi lợn thịt từ nguồn vốn tín dụng giải quyết việc làm tại xã Chiềng Pằn (Yên Châu).

 

Các điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Các chương trình tín dụng chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, giúp bà con có điều kiện tiếp cận với dịch vụ tài chính, dịch vụ tín dụng ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi giải ngân đến đúng đối tượng, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích. Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm hằng năm đã tạo điều kiện cho hơn 1.000 lao động địa phương có việc làm ổn định. Qua đó, tác động tích cực đến việc sử dụng lao động nông nhàn, đặc biệt là lực lượng thanh niên, giúp họ thay đổi tập quán canh tác, tích cực lao động sản xuất, tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt gần 130 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, giúp bà con có điều kiện đầu tư vào sản xuất, mua giống cây, con chất lượng cao, cải tạo vườn tạp, trồng rừng... Điều quan trọng, đã giúp cho các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thay đổi nhận thức và tập quán canh tác, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, các tổ chức hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác phối hợp kiểm tra, giám sát cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo các nhiệm vụ đã ký cam kết; tham gia giao ban hàng tháng, quý với Ngân hàng CSXH, đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ quá hạn và hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro và tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ, cam kết sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi đúng kỳ hạn. Đặc biệt, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã thực hiện tốt việc cộng đồng trách nhiệm, hỗ trợ trả nợ gốc và lãi kịp thời cho thành viên trong tổ khi họ gặp khó khăn không có khả năng trả nợ. Nhờ vậy, nợ quá hạn và rủi ro chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ. Cùng với việc tổ chức cho vay vốn, các tổ chức hội còn phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp tập huấn tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi cho vay đối với hộ nghèo, hướng dẫn nghiệp vụ tín dụng, cách ghi chép sổ sách, quản lý hồ sơ vay vốn, quy trình kiểm tra, giám sát.

Nổi bật trong thực hiện tốt tín dụng cho vay giải quyết việc làm là phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Yên Châu, hằng năm, tạo việc làm mới cho trên 300 lao động nông thôn, giúp cho các hộ vay vốn có điều kiện tham gia các mô hình, dự án, mở rộng thêm trang trại, phát triển kinh tế vườn tổng hợp. Bà Vũ Thị Hoàn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Yên Châu thông tin: Để nâng cao hiệu quả chương tín dụng giải quyết việc làm, phòng phối hợp chặt chẽ với phòng LĐTB và Xã hội bám sát định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, thực hiện phân bổ vốn cho các xã. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho các mô hình dự án điểm, cho vay phát triển kinh tế hộ đối với nguồn vốn trung hạn chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc, như nhãn ghép, vải, xoài, chuối tại các xã: Tú Nang, Chiềng Pằn, Chiềng Sàng; bưởi diễn, thanh long tại Chiềng Pằn; mô hình trồng lúa, ngô, tỏi, xen vụ, tăng vụ tại xã Chiềng Đông; dự án bò sinh sản tại xã Phiêng Khoài, Yên Sơn, Chiềng Pằn; mô hình lợn thịt, lợn nái tại Chiềng Pằn, Thị trấn; mô hình trồng rau đạt tiêu chuẩn rau sạch tại xã Chiềng Pằn, Chiềng Sàng; mô hình nuôi lợn rừng, ong mật, nhím tại Yên Sơn, Chiềng On...

Trao đổi với bà Tòng Thị Tươi, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Sơn La được biết: Chương trình tín dụng giải quyết việc làm năm 2016, Chi nhánh tập trung ưu tiên cho vay đối với những hộ có kiến thức, năng lực sản xuất, có khả năng tạo điều kiện cho các hộ khác học tập kinh nghiệm. Trong đó, chú ý những hộ sản xuất quy mô trang trại, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động địa phương. Thực hiện cho vay giải quyết việc làm gắn với các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm từng vùng và các loại cây, con chủ lực của địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt công tác giao dịch lưu động tại xã; phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc bám sát địa bàn, tham mưu việc tăng cường nguồn vốn từ quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm để cho vay, tạo việc làm đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới