Lễ kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 2016

Ngày 23/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 2016 với chủ đề “Đối mặt với tương lai: Nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn”.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển khẳng định, biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống, đe dọa sự phát triển và tồn vong của toàn nhân loại.  Biến đổi khí hậu phá vỡ quy luật tự nhiên của các mùa, gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như: nắng nóng, hạn hán và mưa lũ.

Những năm gần đây, xu thế diễn biến của thiên tai ở Việt Nam càng ngày càng khốc liệt hơn, diễn biến phức tạp khó lường hơn, khí hậu ngày càng nóng hơn, khô hơn, mưa bão lũ cũng nhiều hơn. Ngay trong những tháng đầu năm 2016 hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết khí hậu bất thường đã diễn ra như: băng tuyết xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc và kéo xuống các tỉnh miền Trung; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực sâu vào đất liền ở các tỉnh phía Nam...

Các tỉnh miền Tây Nam bộ đang phải đối mặt với thiên tai lịch sử, người dân đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt và xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Mới đây, Trà Vinh là tỉnh thứ 8 ở Tây Nam bộ công bố tình trạng thiên tai. Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình thiên tai nghiêm trọng này có thể ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn của cả nước. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, xu thế diễn biến của thiên tai vẫn tiếp tục theo hướng ngày càng khốc liệt và diễn biến phức tạp, khó lường.

Trước thực trạng trên, ngành Khí tượng Thuỷ văn cần tích cực triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn Luật khí tượng thủy văn; tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2020; ngăn ngừa, giảm thiểu và giải quyết tổn thất, thiệt hại do các tác động xấu của biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác và hỗ trợ cho hệ thống dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, thời tiết, sẵn sàng ứng phó khẩn cấp với thiên tai…

Đồng thời, cần chú trọng phát triển hơn nữa công tác dự báo, đặc biệt là dự báo khí hậu, dự báo và cảnh báo thiên tai, tổ chức các diễn đàn nhận định xu thế thời tiết thủy văn Việt Nam thường xuyên hơn; cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan dự báo, các đơn vị chuyển tải thông tin dự báo và người sử dụng cuối cùng nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra và ứng phó chủ động hơn đối với các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan.

Tại lễ kỷ niệm, ông JongHa Bae, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cũng chia sẻ với những khó khăn của người dân Đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam, khu vực trồng lúa chính của đất nước, đang trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây với 575.000 người thiếu nước ngọt, mức độ xâm nhập mặn chưa từng thấy đã gây thiệt hại cho 180.000 ha ruộng lúa.

Điều đó có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cũng cho chúng ta cần có các biện pháp và chiến lược cấp thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu và các sự kiện khí hậu cực đoan, nhằm xây dựng khả năng phục hồi của cộng đồng trước những tác động ngắn hạn và dài hạn của biến đổi khí hậu.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới