Ngày 22/3, tại thành phố Thanh Hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng ngày Nước thế giới 2016.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Lễ mít tinh.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, nước là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo nhưng không phải là vô tận. Hơn lúc nào hết, tại thời điểm chúng ta đang tổ chức Lễ mít tinh, cả nước đang chứng kiến việc thiếu nước nghiêm trọng do hiện tượng El nino gây ra cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Người dân ở các khu vực này đang phải gồng mình đối mặt và chống chọi với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán và xâm nhập mặn được xem là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua. Tính đến thời điểm này, đồng bằng sông Cửu Long có gần 139.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất do thiếu nước và nhiễm mặn và khoảng 340.000 ha diện tích có khả năng bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Bến Tre. Hơn nửa triệu dân ở các tỉnh ven biển trong vùng đang bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ở những huyện ven biển, một số vùng người dân đang phải mua nước ngọt với giá từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng/m3 nước. Với họ, nước đang quý hơn cả vàng - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chia sẻ.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, cần thực hiện những giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Hồng và Mê Công; tổ chức triển khai thực hiện các kiến nghị, đề xuất, giải pháp của Nghiên cứu, đánh giá tác động tích lũy của hệ thống thủy điện trên dòng chính sông Mê Công; đẩy mạnh công tác cảnh báo, dự báo diễn biến lượng mưa, tài nguyên nước và xâm nhập mặn phục vụ công tác điều tiết nguồn nước, đảm bảo đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, trên toàn thế giới, tranh chấp nguồn nước đang diễn ra giữa các ngành kinh tế. Hiện nay, nhiều vùng trên thế giới đang phải chịu áp lực về nước do phát triển kinh và tăng trưởng dân số. Trên thực thế, 2,5 tỷ người (36% dân số thế giới) hiện đang sinh sống tại những khu vực này và hơn 20% GDP toàn cầu được sản xuất tại những vùng đang trong cảnh thiếu và bấp bênh về nước.
Nhận thức rõ những thách thức đó, Việt Nam đã luôn nỗ lực trong đàm phán hợp tác quốc tế nhằm xây dựng cơ chế hợp tác quản lý hài hoà nguồn nước giữa các quốc gia; ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước của quốc gia.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang kêu gọi các cấp, các ngành hãy cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo an ninh nước hướng tới phát triển một xã hội bền vững. Để làm được điều đó, cần nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong mọi ngành, lĩnh vực. Đây là yêu cầu nhất quán và thống nhất trong các chính sách điều phối, phối hợp của chính quyền các cấp ở Trung ương và địa phương.
Đối với các địa phương trên cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị, cần nhận thức một cách sâu sắc yêu cầu cấp bách phải bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Đối với các địa phương vùng đồng bằng, ven biển, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, cần tích cực trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, rừng chắn cát, gia tăng các công trình giữ nước để bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!