Trong những năm qua, việc chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại tỉnh ta được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hà, tổ 6, phường Chiềng Sinh (Thành phố) nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hằng năm, Hội Ngành nghề Nông nghiệp - Nông thôn đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân các huyện tổ chức các lớp tập huấn cho trên 500 lượt hội viên và người dân trên địa bàn tỉnh về kỹ thuật nuôi ong mật, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả và làm sinh vật cảnh. Các kỹ thuật mới, các loại cây trồng, vật nuôi, phương pháp thâm canh mới được đưa tới các hội viên và người dân, góp phần tạo bước đột phá mới của nông nghiệp với những vùng nông sản hàng hóa tập trung được hình thành và nhân rộng trên các lĩnh vực. Điển hình như nghề nuôi ong mật đã có nhiều hộ nuôi ong với số lượng lớn, như: ông Lê Quý Phương, tiểu khu 64, Thị trấn Nông trường Mộc Châu nuôi 1.800 đàn, mỗi năm thu trên 100 tấn mật và các sản phẩm từ ong; ông Nguyễn Trọng Lành, bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) nuôi 1.500 đàn mỗi năm cho thu gần 100 tấn mật ong các loại...
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cải tạo vườn tạp cũng được triển khai, như: cải tạo vườn nhãn trơ, năng suất và chất lượng thấp sang nhãn chín muộn, năng suất và chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng... Cùng với đó, lĩnh vực sinh vật cảnh cũng được các tổ chức Hội quan tâm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao, trong đó phải kể đến mô hình trồng trên 30 ha hoa của Hợp tác xã hoa Duy Thưởng tại bản Panh, xã Chiềng Xôm (Thành phố), tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn tạo sự chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập bình quân trên một diện tích đất sản xuất, cơ cấu cây trồng vật nuôi ngày càng đa dạng, năng suất và hiệu quả kinh tế nâng lên, ô nhiễm môi trường được giảm thiểu, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các mô hình kinh tế VAC mang lại hiệu quả cao được nhân rộng, một số mô hình tiêu biểu như: kết hợp giữa phát triển kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả và phát triển du lịch ở xã Đông Sang (Mộc Châu); kết hợp giữa trồng nhãn với nuôi gà thả vườn ở xã Chiềng Khương (Sông Mã); mô hình nông lâm kết hợp ở xã Long Hẹ (Thuận Châu)...
Trong những năm tới, việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp và nông thôn tiếp tục xác định là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu; các cấp hội trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển những vùng kinh tế nông nghiệp tập trung như: vùng trồng rau, hoa; cây công nghiệp, lâm nghiệp và vùng nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Tuyển chọn các giống cây, giống con, lai tạo và nhập một số giống cây, con có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao vào các vùng quy hoạch, tạo nhiều đột phá mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!