Nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ

Đó là thông tin của ông Đinh Xuân Mến, Trưởng Ban quản lý di dân TĐC huyện Quỳnh Nhai sau hơn 10 năm thực hiện Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện.

Mô hình nuôi cá lồng của HTX thủy sản xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai).

Ngày 29-11-2004, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 196/2004/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân TĐC dự án thủy điện Sơn La, với mục tiêu phải tạo được các điều kiện để đồng bào TĐC sớm ổn định chỗ ở và đời sống, trên cơ sở khai thác tiềm năng về tài nguyên, lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân tốt hơn nơi ở cũ.

Thực hiện Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La trong điều kiện là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, trong khi đó nhiệm vụ lại hết sức nặng nề, chiếm 2/3 khối lượng công tác di dân trong toàn tỉnh, với tổng số 8.435 hộ, trên 36.000 nhân khẩu thuộc 9 xã, 99 bản và phải di chuyển toàn bộ trung tâm hành chính huyện đến địa điểm mới. Đồng thời, việc di dân TĐC thủy điện Sơn La cũng là điều kiện thuận lợi để huyện tổ chức quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, điều chỉnh cơ cấu sản xuất và chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo.

Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tháng 4-2010, Quỳnh Nhai đã hoàn thành di chuyển 100% số hộ và trung tâm hành chính huyện ra khỏi vùng ngập lòng hồ, bảo đảm an toàn về người và tài sản, đáp ứng yêu cầu tiến độ xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Sau khi hoàn thành công tác di chuyển dân, nhiệm vụ đặt ra phải thực hiện mục tiêu ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho nhân dân tại các khu, điểm TĐC. Trên cơ sở phương án sản xuất đã xác định tại quy hoạch chi tiết được phê duyệt, huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý dự dán di dân TĐC huyện phối hợp với Trạm Khuyến nông và các xã đón nhận dân, tổ chức hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất theo quy hoạch, tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, triển khai các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp theo đăng ký của các hộ dân tái định cư. Công tác thu hồi đất, giao đất sản xuất cho các hộ TĐC được khẩn trương thực hiện, đến nay đã cơ bản hoàn thành thu hồi đất của 11.589 hộ TĐC và hộ sở tại ảnh hưởng giải phóng mặt bằng xây dựng các điểm TĐC, với tổng diện tích trên 20.700 ha. Đồng thời, giao gần 165ha đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4.722 hộ TĐC; giao gần 3.950 ha đất sản xuất nông, lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3.822 hộ TĐC. Cùng với giao đất sản xuất, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện lồng ghép với nguồn vốn chương trình 30a, vận động các doanh nghiệp tham gia cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng các dự án thành phần tại các khu, điểm TĐC và các dự án phục vụ TĐC được thực hiện bảo đảm tiến độ, kịp thời phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. Toàn huyện có 11 khu, 96 điểm TĐC, với 723 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng mức đầu tư trên 2.320 tỷ đồng. Qua đó, hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm TĐC được quy hoạch và xây dựng đồng bộ phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân.

Ông Đinh Xuân Mến, Trưởng Ban quản lý di dân TĐC Quỳnh Nhai cho biết: Đến nay, đời sống, sản xuất của các hộ TĐC đã ổn định, 100% hộ TĐC có nhà khang trang, hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch và xây dựng đồng bộ, các hộ dân đã cơ bản được giao đủ đất, được tập huấn và hướng dẫn sản xuất. Đồng thời, huyện cũng đã làm tốt công tác chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn, hiện đã thành lập các HTX thủy sản, khai thác diện tích mặt hồ phát triển nuôi cá lồng, xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng, gắn với trồng cỏ và vận động nhân dân tận dụng những diện tích bán ngập để sản xuất. Theo kết quả rà soát, đánh giá của huyện, năm 2005, trước khi di chuyển, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 0,3 triệu đồng/tháng, đến năm 2015 đã tăng lên 1,12 triệu đồng/tháng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,6% năm 2005 xuống còn 14,3% năm 2015, gần 100% số hộ TĐC có nhà kiên cố, nhà sàn gỗ lợp ngói, 100% số hộ được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia, trường, lớp học kiên cố.

Có thể khẳng định, sau hơn 10 năm thực hiện Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các khu, điểm TĐC. Hiện nay, cùng với thực hiện tốt công tác hỗ trợ sản xuất và đời sống, giải quyết kịp thời các chính sách, hướng dẫn phát triển sản xuất, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị tại các khu, điểm TĐC. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xã, bản vùng TĐC về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, bảo đảm phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới