Đã hơn 3 tháng nay, giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh nói chung, Thành phố nói riêng liên tục tăng. Nguyên nhân chính là nguồn cung cấp cát ở Thành phố từ trước đến nay chủ yếu đều từ huyện Sông Mã, nhưng hiện tại đang ngừng khai thác để chờ được cấp giấy phép. Nếu tình trạng ngừng khai thác cát ở sông Mã tiếp tục kéo dài thì cát phục vụ cho việc xây dựng trên địa bàn tỉnh sẽ phải nhập từ Hòa Bình với giá cao gấp 3 lần.

Được biết từ ngày 20-8-2015 huyện Sông Mã đã thực hiện nghiêm lệnh cấm khai thác cát trái phép bởi thời gian qua các hộ khai thác cát không đúng quy hoạch gây ảnh hưởng môi trường và sụt lún bờ sông. Do vậy đến nay, tại địa bàn Thành phố giá cát xây dựng được lấy từ Sông Mã đã tăng từ 260.000-360.000 đồng/m3, tuy nhiên giá này cũng chỉ áp dụng cho các đơn hàng đã ký kết với doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng từ tháng 9 trở về trước. Còn các hợp đồng mới đều phải lấy cát trát tường ở huyện Mường La và tại cảng Tà Hộc (Mai Sơn) với giá 230.000 đồng/m3. Tuy nhiên nguồn cát này không đảm bảo chất lượng...!? Trước tình trạng khan hiếm cát như vậy, một số doanh nghiệp phải lấy cát xây dựng từ tỉnh Hòa Bình và khi cát về đến bãi tập kết có giá 340.000 đồng/m3, còn cát đổ bê tông là 750.000 đồng/m3. Nếu tính cả công vận chuyển từ bãi tập kết đến chân công trình thì mỗi m3 cát sẽ phải cộng thêm 20.000 đồng.
Theo kinh nghiệm của một số chủ thầu xây dựng, mỗi công trình nhà dân trung bình sử dụng từ 80-100m3 cát. Với giá cát tăng từ 260.000 đồng/m3 lên 750.000 đồng/m3 thì mỗi công trình sẽ bị đội giá cát thêm từ 39 triệu đến 44 triệu đồng. Ông Lường Văn Thanh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thanh Hà, Tổ 3, phường Quyết Thắng (Thành phố) nói: Là doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, khi giá cát tăng cao còn thấy xót cho bà con vì phải mua cát xây dựng từ tỉnh khác đưa về với giá cước vận chuyển cao, trong khi hầu hết bà con trong tỉnh còn nghèo, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Rất mong tỉnh xem xét đề nghị Trung ương cho phép khai thác cát ở Sông Mã, vừa khai thác được tài nguyên sẵn có vừa đảm bảo được nguồn vật liệu phục vụ xây dựng với giá hợp lý.
Là một trong số nhiều hộ đang chuẩn bị xây nhà, anh Hoàng Văn Chum, bản Chậu, phường Chiềng Cơi (Thành phố) cho biết: Gia đình sống bằng nghề nông nghiệp. Do diện tích nhà chật, các con lớn cần có không gian sinh hoạt riêng, nên gia đình quyết định xây thêm tầng 2 với chi phí ước tính ban đầu khoảng 300 triệu đồng. Gia đình đã phải vay mượn thêm của người thân. Hiện giá cát xây dựng tăng cao như vậy thì sẽ phải phát sinh thêm một khoản chi phí không nhỏ.
Việc tạm dừng khai thác cát trái phép ở sông Mã là một quy định đúng bởi hoạt động khai thác cát ngoài vùng quy hoạch, không có giấy phép đã gây ảnh hưởng lớn tới môi trường, gây bức xúc trong nhân dân do thiếu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, việc dừng khai thác cát tại sông Mã kéo dài, đồng nghĩa với việc thiếu cát xây dựng tại một số địa phương trong tỉnh. Trong khi nhu cầu xây dựng cần cát từ lòng sông Mã là rất lớn. Ngoài ra, việc ngừng khai thác này còn làm ảnh hưởng tới đời sống của gần 100 hộ xã viên của 5 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp đã đăng ký khai thác cát ở sông Mã, do đã đầu tư vốn vào việc mua tàu thuyền, thuê bãi tập kết cát và hiện nay đang không có việc làm. Ông Lương Văn Hải, Chủ nhiệm HTX Lam Sơn, xã Chiềng Khương (Sông Mã) cho biết: Hợp tác xã Lam Sơn được thành lập từ tháng 7-2015, với 16 hộ tham gia, mới đi vào hoạt động được hơn 1 tháng thì phải ngừng khai thác cát. Đến nay nhiều hộ rơi vào cảnh nợ nần, không có việc làm và thu nhập.
Về vấn đề này, ông Vi Đức Thọ, Bí thư Huyện ủy Sông Mã trao đổi: Vấn đề quản lý khai thác cát ở sông Mã hiện nay gặp nhiều khó khăn. Do nhu cầu xây dựng tăng cao, trong khi cát xây dựng ở ngay địa bàn huyện cũng khan hiếm dần. Bên cạnh đó là nhu cầu việc làm và thu nhập của xã viên các hợp tác xã cũng là áp lực không nhỏ đối với huyện... Huyện đang nỗ lực cùng với các ngành chuyên môn tham mưu với tỉnh để đề nghị Trung ương sớm cấp phép khai thác cát cho bà con.
Hiện nay giá cát trên địa bàn huyện Sông Mã cũng tăng từ 60.000 đồng/m3 lên 200.000 đồng/m3. Tuy nhiên, tăng giá là vậy nhưng cũng không có cát tốt để mua phục vụ nhu cầu xây dựng. Một số địa bàn của huyện do phải vét lại cát ở các bãi tập kết cát trước đây, dẫn đến cát có lẫn nhiều rác, đất và sỏi, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình. Ông Nguyễn Đắc Lực, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Trước những khó khăn về việc cấp phép khai thác cát ở sông Mã, các cấp lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng làm việc với Bộ TN&MT để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép khai thác cát cho người dân, nhưng vẫn còn vướng về cách hướng dẫn thăm dò và đánh giá trữ lượng đối với hiện tượng cát trôi ở Sông Mã.
Việc cấp phép khai thác cát ở Sông Mã đúng theo quy định, có sự giám sát, quản lý của cơ quan chuyên môn lúc này là rất cần thiết. Bởi sẽ tránh được hiện tượng khai thác bừa bãi gây sụt lún bờ, lại khai thác được tiềm năng, thu được thuế và đảm bảo cung cấp nguồn vật liệu xây dựng ổn định để phục vụ phát triển đô thị ở địa phương; tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo có thu nhập ổn định... Rất mong các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn giúp tỉnh Sơn La khai thác được nguồn lực sẵn có để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!