Cây chè Vân Hồ cần vào chuỗi liên kết sản xuất hợp lý

Không có vùng nguyên liệu chè lớn như Mộc Châu, nhưng cây chè ở huyện Vân Hồ cũng là cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Song những năm qua, câu chuyện giữa doanh nghiệp và người nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi vẫn chưa có giải pháp hiệu quả, chưa gắn kết quyền lợi đôi bên, thị trường bấp bênh…

Công nhân Công ty chè Nhật tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ thu hái chè.

Cây “xóa đói, giảm nghèo” 

 

Hiện nay, huyện Vân Hồ có 940 ha chè, trong đó, hơn 860 ha chè kinh doanh, tập trung ở các xã: Tô Múa, Chiềng Khoa, Vân Hồ, Chiềng Yên, Lóng Luông. Năng suất chè búp tươi đạt 9-10 tấn/ha/năm. Bà Hà Thị Thân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ cho biết: Cây chè là cây công nghiệp chủ lực trong kinh tế nông nghiệp của huyện. Do vậy, huyện tập trung lãnh đạo, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển, thâm canh khoảng 1.000 ha, nâng cao năng suất và tăng thu nhập, đồng thời, thực hiện tốt các chỉ tiêu trồng mới hằng năm của tỉnh.

 

Một trong những xã có diện tích chè lớn nhất, giàu kinh nghiệm trong phát triển, thâm canh và tiêu thụ sản phẩm nhất huyện là Tô Múa, địa danh nức tiếng về chè với câu ví: “Chè Tô Múa, lúa Tú Nang”. Cây chè đã có ở vùng đất Tô Múa từ lâu nhưng năng suất thấp. Năm 1998, xã phối hợp với Công ty Chè Mộc Châu đầu tư hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Nhờ vậy, cây chè từng bước phát triển, đến nay, đã có khoảng 420 ha chè, chủ yếu là chè shan tuyết. Nhờ cây chè, đời sống bà con nơi đây ngày càng khấm khá, như hộ các ông: Ông Hà Văn Thao và Hà Văn Quang, bản Cho Đáy trồng 2,5 ha chè, trừ chi phí thu trên 100 triệu đồng/năm... Ở Tô Múa, bản Liên Hưng trồng nhiều chè nhất với trên 60 ha, năng suất bình quân 12-13 tấn/ha, cao nhất vùng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của bản chỉ còn 15%.

 

 

Trao đổi với ông Hà Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Tô Múa, được biết: Xã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phát triển cây chè ở cả 15 bản. Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ xã ra Nghị quyết đạt 2.500-3.000 tấn chè búp tươi/năm, đến năm 2014, đã vượt lên 4.000 tấn; riêng 10 tháng đầu năm 2015 đã đạt trên 3.500 tấn. Năm 2009, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, kinh doanh dịch vụ đạt hơn 23 tỷ đồng; đến năm 2014, nâng lên 37 tỷ đồng, trong đó, 24 tỷ đồng từ sản xuất chè.

 

 

Cần có giải pháp đảm bảo đầu ra sản phẩm

 

Hiện trên địa bàn huyện Vân Hồ có 5 công ty, doanh nghiệp đang đầu tư, thu mua nguyên liệu, chế biến chè. Trước đây, thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 26-4-2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa qua hợp đồng và Quyết định số 2398/QĐ-UBND ngày 1-9-2009 của UBND tỉnh về việc quản lý vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến chè để kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các công ty, doanh nghiệp chè trên địa bàn huyện chưa thực hiện tốt việc ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm với người trồng chè, giá thu mua thường thấp hơn giá thị trường. Hiện tượng tranh mua diễn ra thường xuyên. Đa số hộ trồng chè chưa ý thức được quyền lợi và trách nhiệm thông qua các hợp đồng ký kết với doanh nghiệp trong việc bán sản phẩm chè búp tươi, nên khi tư thương mua với giá cao hơn các công ty thì họ bán sản phẩm cho tư thương.

 

Qua tìm hiểu được biết, lãnh đạo huyện Vân Hồ đã nhiều lần làm việc với các công ty chè, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến chè trên địa bàn. Lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân về tình trạng thu mua chè búp tươi của các công ty để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân tiêu thụ toàn bộ sản phẩm chè. Tuy nhiên, tình trạng trên chưa giải quyết triệt để.

 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết thêm: UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 19-5-2015 về việc bãi bỏ các nội dung quy định quản lý vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến chè để kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến chè để kinh doanh. Nhưng đến nay, chưa có hướng dẫn cụ thể nên huyện gặp khó khăn trong quản lý hoạt động thu mua chè búp tươi cho nông dân. 

 

Hiện, giá chè búp tươi đang xuống mức thấp 3.000 đồng/kg, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nông dân thì loay hoay tìm cách bán sản phẩm. Ông Lâm Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tô Múa phản ánh: Năm nay, thị trường chè bấp bênh, 2 lứa chè đầu năm giá 6.000 đồng/kg chè búp tươi; sau đó, có thời điểm xuống 2.500 đồng/kg. Doanh nghiệp chè thu mua với giá thấp và chỉ khoảng 1/4 sản lượng chè trên địa bàn xã nên hầu hết nông dân bán chè búp tươi cho các thương lái.

 

 

Những năm qua, giá chè không ổn định, lúc lên, lúc xuống, đồng nghĩa với cây chè cũng phải thăng, trầm theo. Song cây chè vẫn khẳng định được hiệu quả kinh tế so với các cây trồng khác. Để cây chè phát triển bền vững, rất cần sự quan tâm hỗ trợ nông dân đầu tư thâm canh, nhất là gắn kết quyền lợi giữa doanh nghiệp và người nông dân, phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến, đảm bảo đầu ra sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới