Chính sách hợp lòng dân

Ngày 12-4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (nay là Nghị định 55). Nghị định ra đời đã khắc phục được những bất cập, hạn chế cũng như những quy định không còn phù hợp yêu cầu thực tiễn trong chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

Được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Sông Mã,

ông Lò Ngọc Bưởi, bản Trại Giống, xã Nà Nghịu đã phát triển được mô hình nuôi ba ba gai trị giá gần 1 tỷ đồng.

 

Sau 5 năm triển khai và thực hiện, Nghị định 41 đã thực sự đi vào cuộc sống, khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn trở thành đối tượng ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chính sách của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, mở ra nhiều cơ hội cho nông dân trong phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo.

Một trong những ưu đãi hiệu quả mà Nghị định 41 mang lại đó là mức lãi suất cho vay thấp hơn các khoản vay thông thường cùng kỳ hạn từ 2-2,5%/năm. Cùng với đó, mức cho vay không cần tài sản đảm bảo cũng được nâng từ 10 triệu đồng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ (đối với cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp); đến 200 triệu đồng đối với hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp; đến 500 triệu đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại. Ngoài ra, Nghị định cũng chỉ rõ cơ chế xử lý rủi ro khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh theo hướng có lợi cho người dân. Các quy định này mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho đông đảo các hộ dân, nhất là những hộ không có khả năng đáp ứng những yêu cầu vay thông thường.

Để vận dụng hiệu quả Nghị định 41 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sơn La đã tham mưu với UBND tỉnh quán triệt và yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức tín dụng trên địa bàn, trong đó chủ lực là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung nguồn vốn và giải pháp triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong thực hiện chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao chất lượng công tác thống kê, tổng hợp báo cáo định kỳ tình hình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, tham mưu đề xuất...

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác huy động vốn, đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; có kế hoạch cụ thể về nguồn vốn và tăng trưởng dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, mở rộng cho vay các hộ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng các nhu cầu vốn vay về vật tư, phân bón, giống, thuốc trừ sâu, ưu tiên cho các doanh nghiệp kinh doanh vật tư, phân bón, xuất khẩu phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn về các điều kiện, thủ tục vay vốn, giúp các doanh nghiệp và hộ vay vốn tiếp cận chính sách tín dụng theo Nghị định số 41 thuận lợi. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn trong hội viên, thành lập tổ vay vốn, cùng ngân hàng giám sát hộ vay sử dụng vốn và thu nợ vay... Kết quả, doanh số cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn gần 52.000 tỷ đồng; cho vay theo Nghị định số 41 là 19.610 tỷ đồng với tổng số gần 378.800 lượt khách hàng và 78 doanh nghiệp được vay vốn, tổng dư nợ cho vay đạt 5.772 tỷ đồng.

Qua thực tế cho thấy: Vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn đã giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất, nhiều hộ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao đời sống nhân dân xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn. Có vốn vay theo Nghị định 41, nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư và thu mua nông sản chế biến như ngô, sắn, đậu tương, lúa gạo, cà phê và nhiều sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp, nhiều hộ có thu nhập cao; các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc trong kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động và đóng góp đáng kể nguồn thu cho ngân sách Nhà nước...

Trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội khiến nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân cũng ngày càng nâng lên, nhất là sau quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 41 đã có không ít vướng mắc, đòi hỏi phải có những thay đổi cho phù hợp. Do vậy, ngày 9-6-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55 thay thế Nghị định 41. Theo đó, Nghị định 55 đã có nhiều điểm mới hướng tới người nông dân, giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả hơn. Nếu như trước đây, hộ sản xuất nông nghiệp ở phường, thị trấn không được tiếp cận chính sách này thì theo Nghị định 55 đã trở thành đối tượng được vay. Mức cho vay không có tài sản đảm bảo cũng được tăng lên từ 50 lên 100 triệu đồng (đối với cá nhân, hộ gia đình); từ 200 lên 300 triệu đồng (hộ kinh doanh); từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng (hợp tác xã, chủ trang trại).

Có thể khẳng định, những thay đổi trong chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn của Chính phủ ngày càng phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người nông dân, đặc biệt là những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - ngân hàng, ngoài việc giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng, Nghị định 55 còn mở ra cơ hội mới cho người dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... 

Ngọc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới