Chủ động các giải pháp cho ngành nông nghiệp khi tham gia TPP

Tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam những cơ hội thiết thực, đặc biệt trong việc tiếp cận thị trường rộng lớn với những cam kết xóa bỏ thuế quan. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không nhỏ, đặc biệt với những ngành sản phẩm còn yếu thế.

Tham gia TPP tạo cơ hội cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn


Cơ hội cho ngành nông nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu

 

Hiệp định TPP với sự tham gia của 12 nước bao quát hầu hết khu vực vành đai Thái Bình Dương gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Thương mại khu vực TPP chiếm khoảng 32% kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2014, là thị trường xuất siêu có tốc độ tăng trưởng khá và ổn định trong nhiều năm gần đây. Trong đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu, đặc biệt đối với nông, lâm thủy sản Việt Nam. Các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định sẽ mở ra các cơ hội thị trường lớn hơn cho nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, Hiệp định cam kết một cơ chế thông thoáng hơn để mở cửa đầu tư vào ngành nông nghiệp. Các thành viên TPP cam kết không phân biệt đối xử, xóa bỏ hạn chế, rào cản và điều kiện đầu tư không phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thông thoáng, minh bạch hơn và có thể dự báo.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định, việc tham gia vào TPP mở ra nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp nước nhà. Trong đó, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể; tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất trong nước theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng. Đồng thời tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao; tăng cường cơ hội tiếp cận vốn và khoa học công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài; tạo cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Tạo thêm động lực phát triển ngành, phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế và môi trường chính sách.

 

Nhiều thách thức đặt ra

 

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, TPP mang lại nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Trong đó, thách thức lớn nhất là việc cạnh tranh với các mặt hàng nông sản với các đối tác có thể mạnh, đặc biệt là ngành chăn nuôi.

 

Bên cạnh đó, theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), tham gia TPP, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là những rào cản do hạn chế về năng lực cạnh tranh, hạn chế trong việc đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Cùng với đó là việc thiếu thông tin, nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường thế giới, thị trường nhập khẩu và thị trường trong nước; thiếu vốn và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật thông minh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và kiểm soát dịch bệnh. Hạn chế về trình độ lao động và nguồn nhân lực, hạn chế trong việc vận dụng công cụ hữu ích trong thương mại quốc tế nhằm tái lập công bằng thương mại và giải quyết tranh chấp. Môi trường chính sách chưa hoàn thiện, chưa thực hiện đồng bộ và thiếu các biện pháp chế tài.

 

Cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp

 

Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động của các thách thức mà Hiệp định TPP mang lại, theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thiết thực. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; tăng cường nhân lực, nâng cao năng suất lao động, phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành. Khẩn trương hoàn thiện môi trường chính sách; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, phân tích, dự báo thị trường và khả năng vận dụng cam kết, các biện pháp được áp dụng trong các Hiệp định thương mại tự do. Tăng cường năng lực cho các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

 

Mặt khác, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, một trong những giải pháp quan trọng để thích ứng với TPP là đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy cao hơn những lợi thế của nước nhà. Đồng thời, kết hợp với việc ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất để các sản phẩm của nước ta có khả năng cạnh tranh cao hơn, chiếm lĩnh được thị trường đã được các nước cam kết mở cửa. Trong đó, với việc ứng dụng khoa học công nghệ, ngoài việc đổi mới cách quản lý các các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ của nhà nước, ngành sẽ chú trọng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới