Tỉnh ta có 102 xã và 281 bản đặc biệt khó khăn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, ổn định đời sống thuộc Chương trình 135 (giai đoạn 2011-2015). Qua 5 năm triển khai, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh, tạo diện mạo mới trên nhiều lĩnh vực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta được Chương trình 135 hỗ trợ 893 tỷ 545 triệu đồng. Với số vốn được giao, tỉnh ta đã đầu tư hỗ trợ cho 41.381 hộ phát triển sản xuất chủ yếu là giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất. Cùng với đó, đầu tư xây dựng mới 501 công trình và duy tu, sửa chữa 374 công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà lớp học, chợ và các công trình khác; tổ chức tập huấn cho trên 6.000 lượt người là cán bộ xã, thanh niên DTTS kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, quản lý Chương trình 135, nghiệp vụ quản lý dự án, nghiệp vụ đấu thầu...
Từ nguồn vốn trên 51 tỷ đồng viện trợ nước ngoài cho Chương trình 135, tỉnh ta đã xây dựng 17 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn các xã vùng ĐBKK của Sông Mã, Thuận Châu, Mộc Châu, Mường La, Mai Sơn và Yên Châu. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn huy động lồng ghép vốn của các chương trình, dự án, mục tiêu quốc gia trên 2.259 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBKK, 100% xã, thôn bản thuộc diện được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, làm tăng thu nhập cho người dân.
Thông qua Chương trình 135, trong sản xuất nông nghiệp đã xây dựng được một số mô hình sản xuất hiệu quả; kỹ năng sản xuất của đồng bào dần được nâng lên; xây dựng thêm nhiều công trình phúc lợi công cộng, đáp ứng hơn 80% nhu cầu hỗ trợ cả giai đoạn. Qua rà soát, 8 bản đã hoàn thành Chương trình 135 của huyện Quỳnh Nhai. Tỷ lệ hộ nghèo vùng thụ hưởng Chương trình 135 giảm từ 40,03% năm 2011 xuống còn 26,35% năm 2014.
Kinh nghiệm trong triển khai Chương trình 135 trên địa bàn là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể, nhất là các ngành có chức năng tư vấn, thẩm định và trình phê duyệt; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về cơ chế quản lý, điều hành, giám sát, kết hợp với một số chuyên đề về quản lý kinh tế, xây dựng mô hình sản xuất cho cán bộ cấp xã và bản; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia ngay từ đầu, nhất là khâu lựa chọn xác định các hạng mục, nội dung ưu tiên để đầu tư xây dựng; thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện chương trình.
Tuy nhiên, do đối tượng thuộc Chương trình 135 chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, trình độ dân trí và mức sống còn thấp, năng lực cán bộ ở một số xã còn hạn chế; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, sâu rộng; chậm giải ngân thanh quyết toán nguồn vốn hàng năm; nhiều vùng nhân dân còn thiếu đất sản xuất; định mức vốn còn thấp, chưa đủ để giúp vùng đặc biệt khó khăn thoát nghèo nhanh và bền vững... Do vậy, giai đoạn tiếp theo cần bổ sung thêm hợp phần hỗ trợ gạo cho các hộ trồng và bảo vệ rừng thuộc Chương trình (hỗ trợ theo suất/hộ hoặc hỗ trợ theo diện tích rừng mà các hộ nhận bảo vệ); tăng định mức đầu tư cho xã, bản ĐBKK khu vực I và II và các hợp phần thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ địa phương kinh phí truyền thông và kinh phí quản lý; giao kinh phí tổng thể để tỉnh chủ động thực hiện theo các nội dung dự án sát với nhu cầu thực tế tại địa phương, tăng hiệu quả, hiệu lực của Chương trình
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!