Chuyển hướng canh tác bền vững trên đất dốc

Là huyện vùng cao, địa hình phức tạp, huyện Bắc Yên có 2/3 diện tích canh tác nông nghiệp trên đất dốc. Việc canh tác trên đất dốc trong một thời gian dài, không cải tạo đất làm đất nương rẫy bạc màu, thoái hóa, dẫn đến năng suất cây trồng ngày càng giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân. Việc khai thác trên đất dốc thiếu hợp lý còn làm cạn kiệt nguồn nước, diện tích đất, rừng bị thu hẹp, cuộc sống của người dân vùng cao gặp nhiều khó khăn.

Mô hình trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc được nông dân Bắc Yên nhân rộng.

 

Trước thực trạng đó, những năm qua, huyện Bắc Yên đã đưa ra nhiều giải pháp giúp người dân vùng cao sản xuất, canh tác hiệu quả và bền vững trên đất dốc. Vận động nhân dân làm ruộng bậc thang, sử dụng dư thực vật sau thu hoạch như: rơm rạ, thân cây ngô hoặc cỏ, xác thực vật khô... làm lớp che phủ cho đất, phân bón; áp dụng trồng xen canh giữa cây lương thực ngắn ngày và cây dài ngày, giảm dần diện tích cây ngô, thay thế bằng các cây hiệu quả, như: trồng sắn ở các xã vùng thấp, dong riềng, tre, măng ở các xã vùng cao..., dành diện tích trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Mặt khác, tập trung đưa giống ngô mới năng suất cao có khả năng chịu hạn, phù hợp với điều kiện canh tác trên đất dốc và trình độ sản xuất của bà con vào gieo trồng. Huyện cũng tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước xây dựng các công trình thủy lợi để tăng diện tích canh tác lúa nước 2 vụ, giảm dần diện tích canh tác trên nương... Qua đó, góp phần giảm nhẹ những tác động của việc canh tác trên đất dốc, giúp người dân nhận thức được các biện pháp tăng thời gian canh tác trên nương rẫy; giảm tình trạng rửa trôi, bạc màu và xói mòn đất. Đặc biệt, bà con đã biết chuyển đổi các loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, trồng các giống cây để cải tạo đất như: đậu tương, sắn...   

 

Hiện nay, nương, vườn của hầu hết các xã trên địa bàn huyện (trước đây chỉ trồng sắn hoặc ngô) đã được phủ kín màu xanh của các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, cảnh núi đồi trơ trọi sau mỗi vụ thu hoạch ngô đã giảm dần. Anh Hà Văn Thắng, bản Pót, xã Mường Khoa cho biết: Sau hơn 5 năm trồng ngô trên đất dốc kém hiệu quả do đất bị bạc màu, chi phí đầu tư giống và phân bón lớn, thu nhập giảm nhiều. Nhận thấy trồng chuối không tốn nhiều công chăm sóc, lại giữ độ ẩm cho đất, không chỉ cho thu hoạch hoa, quả quanh năm mà còn tận dụng thân cây làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, từ năm 2012, tôi chuyển hơn 1ha đất đồi trồng ngô kém hiệu quả sang trồng gần 300 gốc chuối. Mỗi gốc chuối cho thu hoạch 3-4 lần/năm với giá bán trung bình từ  3.000 - 5.000 đồng/kg chuối quả, mỗi năm thu hoạch khoảng 4 tấn quả, thu nhập gần 20 triệu đồng.

 

Cùng với việc áp dụng trồng chuối, hiện nay người dân trên địa bàn huyện đã bắt đầu chuyển một phần diện tích trồng ngô sang trồng cỏ, phát triển đàn bò, mang lại thu nhập. Trước đây, gia đình ông Vàng A Thếnh, bản Khọc B, xã Mường Khoa có hơn 2ha đất nương trồng ngô, từ năm 2013, thấy trồng cỏ nuôi bò vỗ béo thu lợi lớn, lại được Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, nên ông quyết định chuyển đổi hơn 1ha trồng ngô sang giống trồng cỏ VA06 kết hợp với nuôi bò. Từ 1 con ban đầu, đến nay, chuồng bò nhà ông luôn duy trì số lượng 4 con. Mỗi năm, xuất chuồng 2 con, thu nhập từ 15- 20 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện trao đổi: Với hiện trạng sản xuất nông nghiệp ở Bắc Yên như hiện nay, nếu không sớm triển khai các biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lí, thì tình trạng thiếu đất sản xuất sẽ diễn ra nghiêm trọng. Thời gian tới huyện chú trọng chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng diện tích trồng thức ăn chăn nuôi gia súc, hướng đến phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hiệu quả.

 

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc đang là hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế nông nghiệp huyện Bắc Yên, không chỉ mang lại năng suất, lợi nhuận cao trên cùng một diện tích mà còn tạo được sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của người dân trong sản xuất, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân tăng thu nhập, tạo ra các sản phẩm đặc trưng, xóa bỏ phương thức sản xuất lạc hậu, góp phần thiết thực trong việc xóa nghèo.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới