Cuộc sống mới trên quê hương tái định cư

Hơn 10 năm, những người dân tái định cư đến từ huyện Mường La sinh sống và gắn bó tại mảnh đất Tân Lập (Mộc Châu) đã làm quen và bắt nhịp với cuộc sống, phương thức canh tác mới, họ luôn cần cù, sáng tạo, tích cực lao động sản xuất, xây dựng một cuộc sống ấm no.

Một góc bản tái định cư Nặm Khao, xã Tân Lập (Mộc Châu).

Trở lại bản Nà Tân, nơi 13 năm trước, 98 hộ dân đầu tiên của Dự án tái định cư thủy điện Sơn La chuyển về sinh sống, những cây đào, cây nhãn được các hộ trồng trước nhà từ ngày đầu di chuyển đến đã vươn cành lá xum xuê, đánh dấu cả một quãng thời gian dài cùng người dân sinh sống ở quê hương mới. Những dãy nhà thẳng hàng, đều tăp tắp, tường nhà tuy đã cũ, nhiều ngôi nhà đã được gia chủ sơn sửa lại nhưng vẫn giữ nguyên dáng dấp của thiết kế ban đầu. Con đường nhỏ dẫn vào từng ngõ, những vườn rau, cả khu chăn nuôi hay nhà văn hóa... tất cả đều đã mang dấu ấn thời gian, gắn bó với cuộc sống của bà con nơi quê mới.

Ông Lèo Văn Tươi, Trưởng bản Nà Tân, cho biết: Khác với quê cũ chỉ trồng lúa, ngô, ở quê mới, bà con dần làm quen với cách trồng, chăm sóc chè, trồng thêm các loại rau màu và chăn nuôi gia súc, cuộc sống đỡ vất vả hơn mà thu nhập lại khá hơn. Hơn 10 năm tái định cư, bản đã tăng thêm 20 hộ, cuộc sống ổn định, số hộ nghèo đã giảm nhiều.

Cũng trong năm 2003, các bản: Hoa 2, Dọi 2 lần lượt chuyển đến tái định cư, bắt đầu cuộc sống mới. Năm 2004, thêm các bản: Nặm Khao, Nậm Tôm, và bản xen ghép Lóng Cóc, Nà Pháy chuyển về. Người dân khi đến đây đã biết tận dụng lợi thế về giao thông thuận tiện, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm làm hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng ngô, chăm sóc chè để từng bước tăng thu nhập gia đình, cải thiện cuộc sống. Bản Hoa 2 là bản tái định cư có đời sống kinh tế phát triển khá ổn định. Ông Lường Văn Inh, Trưởng bản Hoa 2 chia sẻ: Khi đến Tân Lập, mỗi nhân khẩu được chia cho 1.000m2 đất chè và 1.000m2 đất canh tác. Sau nhiều năm, cây chè phát triển, cho năng suất cao hơn, nhờ vậy, đời sống của người dân trong bản cũng dần khá hơn. Hiện tại, thu nhập của bà con đạt 9 triệu đồng/người/năm.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, năm 2003 và 2004, thực hiện Dự án tái định cư thủy điện Sơn La, xã Tân Lập lần lượt đón 360 hộ dân từ xã Ít Ong (Mường La) về tái định cư. Các hộ dân được chia thành 5 bản mới và 2 bản xen ghép. Người dân xã Tân Lập đã nhường cơm, xẻ áo, chia sẻ những khó khăn với các hộ tái định cư trong những ngày đầu đến quê mới, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Người dân tái định cư khi đến Tân Lập được chia đất canh tác theo nhân khẩu. Trong 7 bản tái định cư thì có 4 bản thu nhập chính từ cây chè, ngoài ra, bà con chủ yếu trồng ngô và một số loại cây trồng khác. Ngoài những chính sách ưu tiên từ Dự án tái định cư thủy điện Sơn La, xã còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng chè, ngô, trồng nấm, dạy nghề phổ thông cho bà con tái định cư, giúp bà con có thêm cách làm kinh tế, tăng thu nhập. Với những hộ nghèo, xã tạo điều kiện giúp bà con được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đến nay, cuộc sống cua bà con tái định cư đã ổn định, nhiều hộ có thu nhập cao.

Những khó khăn, vất vả của ngày đầu tái định cư trên quê mới đang lùi xa, đời sống của bà con đang có những đổi thay tích cực, bà con yên tâm bám đất, bám bản để ổn định sản xuất, từng bước xây dựng một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Tặng Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới