Giải pháp để Lọng Bong thoát nghèo

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, chúng tôi tới bản Lọng Bong - nơi định cư của đồng bào dân tộc La Ha của xã Hua Trai (Mường La).

Người dân bản Lọng Bong vẫn nuôi lợn thả rông.

 

Qua tiếp xúc được biết, bản Lọng Bong là bản đặc biệt khó khăn, cách trung tâm xã 11 km đường dốc núi, giáp ranh với xã Chế Tạo của tỉnh Yên Bái. Trước khi tái định cư tập trung, bản có 48 hộ; năm 2009, huyện Mường La đã lập dự án định canh định cư tập trung để đầu tư theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, hiện bản có 57 hộ, 263 nhân khẩu, nhưng chỉ có 49 ha đất sản xuất. Thiếu ruộng, bà con ở đây chỉ làm lúa nương, trồng thêm ít ngô và sắn nên đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn. Theo Trưởng bản Lò Văn Son, vụ lúa nương năm nay, hộ thu nhiều nhất chỉ khoảng 16 bao thóc (mỗi bao 40 kg), còn lại chỉ được 3-4 bao; ngô thì nhà cao nhất cũng không quá 1 tấn ngô bắp.

 

Tìm hiểu về chính sách hỗ trợ định canh định cư, Trưởng bản cho hay: Từ năm 2009 đến nay, huyện đã đầu tư san nền, xây dựng nhà văn hóa, lớp học cắm bản, hỗ trợ tiền làm nhà ở, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ giống dê cho 48 hộ ban đầu. Năm 2012 bản được huyện cấp 11 con bò cho 11 hộ nuôi, nay đã đẻ thêm 2 con bê; năm 2015, bản tiếp tục được hỗ trợ 10 con dê... Tuy nhiên, hiện bản vẫn còn 53/57 hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo và  Trưởng bản cũng là hộ nghèo. Bản mới có 5 hộ mua được xe gắn máy và hiện chỉ có 1 học sinh đang theo học THCS, không có học sinh học lên THPT, nhiều phụ huynh học sinh mù chữ và tái mù chữ. Trong bản vẫn còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống...

 

Khi được hỏi nguyên nhân chính dẫn đến nghèo, Trưởng bản không giấu diếm: Các gia đình trong bản hầu như vẫn sống chủ yếu theo lối tự cung, tự cấp, hái lượm từ thiên nhiên, chưa ai mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Có nhà cũng muốn vay vốn ngân hàng để sản xuất, chăn nuôi, nhưng sợ không trả được nợ... đành thôi! Tôi tiếp tục hỏi: “Nếu được Nhà nước đầu tư thì Trưởng bản sẽ làm gì để đưa bản vượt lên thoát nghèo?”. Trầm ngâm một lúc, người đàn ông chưa học hết cấp II nêu ý kiến: Ngoài việc xây cầu treo qua bản, chúng tôi cần điện, nước sinh hoạt. Hiện bản có khoảng 5 ha nương có thể khai hoang ruộng nước; con suối Nậm Hồng chảy qua bản có thể ngăn dòng làm thủy lợi; nương bạc màu sẽ chuyển sang trồng cỏ, phát triển chăn nuôi!

 

Theo báo cáo của UBND huyện Mường La, thực hiện Quyết định 33 của Chính phủ, giai đoạn 2009-2015, bản Lọng Bong được giao 11 tỷ 58 triệu đồng thực hiện dự án ĐCĐC tập trung (vốn sự nghiệp gần 812 triệu đồng; vốn đầu tư hơn 10 tỷ 246 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương 403 triệu đồng). Qua hơn 5 năm thực hiện, Mường La đã triển khai các hạng mục san nền nhà, làm đường nội bộ, xây dựng nhà văn hóa, lớp học cắm bản, hỗ trợ di chuyển nhà ở, hỗ trợ sản xuất (mua lương thực ban đầu, mua dê giống, giống ngô lai, phân bón) cho các hộ dân mới chuyển đến. Đến năm 2012, đã hoàn thành các hạng mục đưa vào sử dụng; 48 hộ dân ban đầu đã ổn định ĐCĐC và phát triển sản xuất. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các bước khảo sát địa chất, lập báo cáo bản vẽ thiết kế kỹ thuật và dự toán dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các công trình: nước sinh hoạt, điện, đường giao thông. Tuy nhiên, do nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh phải giãn, hoãn theo Nghị quyết 11 của Chính phủ nên đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được. Tháng 1 năm 2015, UBND tỉnh tiếp tục giao vốn để triển khai, thực hiện chương trình theo Quyết định 108/QĐ-UBND ngày 16-1-2015 của UBND tỉnh, huyện Mường La đang triển khai các bước theo quy trình, dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 12 năm nay.

 

Để người dân và các em học sinh bản Lọng Bong không phải lội qua suối khi giao thương, sinh hoạt, đi học; được sử dụng điện lưới quốc gia; có nước sạch sinh hoạt... trước mắt, ngoài việc ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình điện, cấp nước sinh hoạt, đường liên bản, các đơn vị liên quan sớm trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung danh mục công trình cầu treo qua suối Nậm Hồng; phê duyệt đề án trồng trọt, chăn nuôi để hỗ trợ cho nhân dân phát triển kinh tế. Các phòng ban chức năng của huyện cần tổ chức khảo sát xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân. Mặt khác, tổ chức cho các chủ hộ gia đình đi tham quan, học tập kinh nghiệm thoát nghèo, làm giàu ở các địa phương khác. Hằng năm, cần tổ chức ký cam kết thoát nghèo đến từng hộ gia đình, để họ ý thức nỗ lực vươn lên, hạn chế sự trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước... Hy vọng, với sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành, Lọng Bong sẽ sớm thoát nghèo.

 

Anh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới