Mường Lựm chú trọng phát triển đàn gia súc

Những năm gần đây, nông dân xã Mường Lựm (Yên Châu) đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt tập trung gia trại, trang trại, gắn với trồng cỏ, bước đầu mang hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định.

Gia đình anh Lường Văn Sươi, bản Luông (Mường Lựm, Yên Châu) thực hiện mô hình trồng cỏ, phát triển chăn nuôi gia súc.

 

Là xã vùng III, cách trung tâm huyện Yên Châu 27 km, Mường Lựm có nhiều phiêng bãi tự nhiên, thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc. Tận dụng lợi thế đó, hai năm trở lại đây, cùng với chính sách phát triển chăn nuôi gia súc của tỉnh, sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền địa phương, nông dân Mường Lựm từng bước chuyển đổi từ nuôi nhỏ lẻ, chăn thả tự nhiên sang phương thức chăn nuôi đại gia súc theo hình thức nuôi nhốt tập trung. Xã đã tuyên truyền, khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ; bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh và chủ động nguồn thức ăn, phòng chống rét cho đàn trâu, bò trong mùa đông; hướng dẫn các hộ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô tại các bản, như: Bản Lựm, bản Luông, bản Nà Lắng... Bên cạnh việc phát triển gia súc thương phẩm, nhiều hộ đã mạnh dạn chăn nuôi gia súc sinh sản để chủ động nguồn giống tại chỗ.

 

Gia đình anh Lường Văn Sươi, bản Luông là hộ tiên phong trong phát triển chăn nuôi gia súc của xã với hướng phát triển bò sinh sản cung cấp giống cho các hộ trong vùng. Anh Sươi chia sẻ: Năm 2013, với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, gia đình tôi mua 2 bò sinh sản và chuyển đổi 3000m2 đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ voi. Đến nay, gia đình tôi đã có 6 bò mẹ sinh sản, vừa qua tôi đã xuất bán 2 con giống cho bà con trong xã, thu gần 30 triệu đồng, sắp tới sẽ xuất bán tiếp 2-3 con giống. Ngoài phát triển đàn trâu, bò, các hộ trong xã mở rộng chăn nuôi dê. Điển hình như, gia đình anh Cà Văn Tiềm, bản Na Ngua là hộ có đàn dê lớn nhất xã. Từ năm 2012, anh Tiềm bắt đầu chăn nuôi dê với hình thức chăn thả, nhưng đến nay gia đình đã chuyển sang trồng cỏ, nuôi nhốt dê để tiết kiệm công chăm sóc và dễ phòng chống dịch bệnh. Hiện, tổng đàn dê của gia đình ổn định từ 30 đến 35 con, thu nhập từ bán dê thương phẩm mỗi năm thu về 40-50 triệu đồng.

 

Sau hơn 2 năm tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, tổng đàn gia súc của xã Mường Lựm đã đạt trên 2.300 con. Diện tích cỏ của xã tăng từ 8 ha lên trên 25 ha, đảm bảo thức ăn thường xuyên cho đàn gia súc, kể cả trong những tháng mùa đông. Ông Phạm Đức Long, Bí thư Đảng ủy xã Mừng Lựm cho biết: Đảng ủy, chính quyền xã Mường Lựm xác định phát triển chăn nuôi gia súc là hướng phát triển kinh tế trọng tâm của xã. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền tới nhân dân hiệu quả việc chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hóa; khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Tiếp tục đứng ra tín chấp với các ngân hàng, để nhân dân vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi; hướng dẫn cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo đàn gia súc của xã phát triển cả về số lượng và chất lượng.

 

Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung tại xã Mường Lựm bước đầu đã mang lại hiệu quả cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

 

Thanh Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới