Chất lượng nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, vấn đề này thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu với các đề xuất được đưa ra để nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.
Chất lượng nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ
Tham luận về chủ đề: "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa", đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu rõ: Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, chính sách đối với lao động nữ…”.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN vừa được hình thành, Việt Nam đã tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương TPP, Liên hợp quốc đã thông qua mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, từ thực tiễn đất nước, tiềm năng của phụ nữ và những vấn đề đặt ra nêu trên, phụ nữ Việt Nam trân trọng đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực nữ Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung vào một số nội dung.
Cụ thể nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và từng gia đình, của bản thân phụ nữ về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực nữ và xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực nữ nói riêng...
Phát huy kết quả đạt được của nhiệm kỳ này, trên cơ sở nhận thức đúng, đủ và toàn diện về nguồn nhân lực nữ cần xây dựng, tổ chức thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách hợp lý có tính đến đặc thù giới tính nữ và thiên chức người mẹ. Chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin, khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nữ với hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khởi nghiệp; vấn đề nhà trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Quan tâm xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với các nhóm phụ nữ yếu thế (phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật có hoàn cảnh khó khăn…). Việc xây dựng và thực hiện chính sách cần quan tâm chất lượng, hiệu quả và nhất thiết phải chú ý đến vai trò, điều kiện, đặc điểm của các nhóm đối tượng phụ nữ khác nhau...
Cùng với đó, quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Mặt khác, cần tạo điều kiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động phụ nữ thông qua các đề án, các cơ chế cụ thể để hỗ trợ nguồn nhân lực nữ cải thiện tình trạng thể lực, trình độ, kỹ năng nghề, kỹ năng làm mẹ, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, tham gia lao động xã hội…
Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước
Thay mặt cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam với trên 9 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước, tại Đại hội, đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham luận với chủ đề "Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế". Tham luận khẳng định trong tiến trình lịch sử, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với vận mệnh của dân tộc và luôn hoàn thành sứ mệnh của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân được tập hợp, tôi luyện, nhân lên sức mạnh trong tổ chức Công đoàn và liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo đồng chí Đặng Ngọc Tùng, để tổ chức Công đoàn thực sự trở thành cơ sở xã hội vững chắc của Đảng, người cộng tác đắc lực của Nhà nước, tạo sức mạnh tổng hợp của dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng cần tập trung lãnh đạo việc tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 22/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
“Vấn đề cốt lõi của xây dựng giai cấp công nhân không chỉ đơn thuần là phát triển số lượng mà là phải tạo cho được sự phát triển về chất lượng chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, xây dựng tác phong công nghiệp. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo thực hiện có chất lượng, hiệu quả chính sách đào tạo, đào tạo lại để công nhân có trình độ chính trị, học vấn chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước” – đồng chí Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng cũng nhấn mạnh đến việc lãnh đạo việc tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách tiền lương, tiền công, các chính sách phúc lợi và dịch vụ xã hội, đảm bảo cho giai cấp công nhân thực hiện tốt vai trò vừa là chủ thể của quá trình CNH, HĐH đất nước vừa được thụ hưởng những thành quả của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước tương xứng với sự đóng góp của họ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội.
Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động, luật công đoàn, bảo hộ lao động, các chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động và xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, bất luận đó là chủ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nào, không vì thu hút đầu tư mà xem nhẹ quyền lợi của công nhân, lao động….
Xác định cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao để tối ưu hóa quá trình đào tạo
Tham luận với chủ đề “Xây dựng thành phố Cần Thơ thực sự là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng vằng sông Cửu Long”, đồng chí Trần Thị Thanh Hiền, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 17,5 triệu người, kinh tế đồng bằng sông Cửu Long đang đóng góp khoảng 18,5% GDP của cả nước. Trong đó, thành phố Cần Thơ chiếm tỷ trọng 12% GDP toàn vùng và là địa phương có tiềm lực kinh tế lớn nhất vùng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2015 - 2010 đã xác định thương mại/dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao là 3 trụ cột quan trọng cho sự phát triển. Yếu tố quan trọng để thành công của 3 trụ cột này là vốn – khoa học và công nghệ - con người, trong đó nguồn lực con người chất lượng cao là quan trọng nhất.
Trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng và cả nước là một thách thức đối với thành phố Cần Thơ nhưng cũng là trách nhiệm của một thành phố trung tâm, đóng vai trò động lực cho sự phát triển của toàn vùng.
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động kinh tế của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng chưa thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài, tỉ trọng công nghệ cao áp dụng trong các ngành sản xuất (nhất là trong công nghiệp và nông nghiệp) còn thấp nên nhu cầu lao động qua đào tạo với tay nghề cao (chất lượng cao) chưa nhiều.
“Nhưng, với chiến lược và xu thế phát triển của toàn vùng là ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn tới, nên sự xác định cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao để tối ưu hóa quá trình đào tạo là rất quan trọng” – đồng chí Trần Thị Thanh Hiền nhấn mạnh.
Vì thế, để có được chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố Cần Thơ sẽ chủ trì phối hợp với các bộ/ngành, các địa phương trong vùng thực hiện giám sát nhu cầu lao động theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, kể cả lao động cho xuất khẩu và khả năng đào tạo hiện tại cũng như về lâu dài của các đơn vị đào tạo ở đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Cần Thơ để có kế hoạch tổng thể sát với thực tế; quá trình thực hiện sẽ không gây mất cân đối về cơ cấu lao động và trình độ lao động trong xã hội, hạn chế tình trạng lãng phí lao động hoặc sử dụng lao động không hiệu quả.
Đồng chí Trần Thị Thanh Hiền cho rằng, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì nhất thiết thành phố Cần Thơ cần được tiếp sức của Chính phủ và sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các bộ/ngành chủ quản của các cơ sở đào tạo về cơ chế quản lý nhà nước. Cơ chế chính sách phù hợp sẽ kêu gọi được sự đầu tư ngoài nhà nước vào đào tạo. Ngoài ra, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trao quyền tự chủ đầy đủ hơn cho các trường đại học; khích lệ quyền tự do học thuật của sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu cũng như khuyến khích các trường đạt được chất lượng cao trong đào tạo./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!