Nông dân thời hội nhập

Những năm gần đây, các điển hình nông dân làm giàu trên quê hương Sơn La xuất hiện ngày càng nhiều. Những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, sự chịu khó tìm tòi, học hỏi của người nông dân đã xua đói nghèo, vươn lên khấm khá, no ấm, góp phần tạo nên diện mạo mới cho quê hương.

 

Trồng rau ở HTX rau an toàn bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu).

Đầu xuân, sự háo hức như tăng thêm bội phần khi chúng tôi quyết định tìm hiểu những câu chuyện làm giàu của người nông dân. Lần theo từng địa chỉ do Hội Nông dân tỉnh giới thiệu, chúng tôi đến từng vùng quê, tìm gặp những gia đình mà theo đánh giá là các “hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương”; để minh chứng cho một phong trào thi đua sâu rộng hiệu quả.

Chọn Mộc Châu làm điểm đến đầu tiên, chúng tôi tìm hiểu về HTX rau an toàn bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, gặp những người nông dân khởi xướng cách làm nông nghiệp kiểu mới. Theo con đường bê tông, chúng tôi vào một khu vực rộng lớn, bằng phẳng được chia ô, chia khoảnh, lộ ra màu xanh của đủ các loại rau. Tiết trời mùa xuân khiến sắc xanh thêm ngập tràn sức sống. Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Luyến, Chủ nhiệm HTX khi bà đang tất bật chuẩn bị mái che cho lứa cà chua mới. Nghỉ tay, bà dẫn chúng tôi vào nhà và lấy ra một cuốn sổ dày, chỉ vào những cột ghi chép rồi giải thích: Đây là nhật ký trồng rau, ghi lại quá trình chăm bón rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đây chỉ nghĩ, trồng rau để phục vụ gia đình, nay thì rau sạch của bản đã “chiếm lĩnh” các siêu thị tận Hà Nội. Giờ đây, mỗi cái tết đến lại mang thêm niềm vui cho các xã viên khi đơn đặt hàng cuối năm càng nhiều, vất vả hơn nhưng tết lại rôm rả hơn. Hiện, HTX có 37 thành viên là người trong bản, trồng hơn 26ha rau an toàn, hằng năm, cung ứng ra thị trường 30 loại sản phẩm rau, củ sạch, mỗi hộ xã viên có thu nhập từ 200-250 triệu đồng/năm. 

Rời Mộc Châu, về Mai Sơn, khí thế của vùng công nghiệp những ngày cuối năm như sôi động hơn khi nhà máy đường, xi măng, những xưởng chế biến lớn nhỏ đang chạy nước rút cho đợt sản xuất cuối. Tại đây, chúng tôi tìm gặp một “đại gia chân đất” với cách làm mới, tiên tiến trong chăn nuôi, đó là ông Nguyễn Văn Minh, tiểu khu 19-5, xã Cò Nòi, chủ Doanh nghiệp tư nhân Minh Thúy. Vốn là người chịu khó, tìm tòi, học hỏi, ông Minh đã tham quan nhiều mô hình chăn nuôi ở các nơi để xây dựng thương hiệu lợn giống chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, tự nghiên cứu tìm ra công thức pha trộn thức ăn cho lợn, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa giảm chi phí. Hiện, quy mô chăn nuôi của Doanh nghiệp đã có tới 700 lợn nái, 4.000 lợn thịt và trên 3.000 con lợn giống; doanh thu 40 tỷ đồng, lợi nhuận 6 tỷ đồng, tạo việc làm cho 55 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Đến mỗi vùng đất, chúng tôi đều dễ dàng tìm gặp những người nông dân với các mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm, như gia đình bà Trần Thị Thủy, tiểu khu Sao Đỏ II, xã Vân Hồ (Vân Hồ) đầu tư chăn nuôi đàn bò sữa lên tới 32 con, thu nhập trên 600 triệu đồng/năm; gia đình ông Sồng A Giống, bản Suối Chèo B, xã Suối Bau (Phù Yên) chăn nuôi gia súc, cho thu nhập 600 triệu đồng/năm; hộ ông Phạm Văn Doanh, bản Kéo Pịa, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) kinh doanh dịch vụ tổng hợp, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng...

Trở về Thành phố, trao đổi thêm với lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh. Ông Hoàng Sương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh ngay lập tức giới thiệu danh sách các hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi để minh chứng thêm, bởi: những người chúng tôi đã tìm gặp chỉ là số nhỏ trong danh sách dài này. Xen giữa buổi cuộc trò chuyện luôn là những nhân vật nông dân với cách làm kinh tế mới có thu nhập “tầm cỡ” cấp tỉnh, cấp trung ương mà chúng tôi chưa có dịp gặp mặt. Chủ tịch Hội hào hứng, kể chuyện nông dân như kể chính câu chuyện của mình, am hiểu và rành mạch. Ông bảo: Đều là nông dân, đều có chung xuất phát điểm thì người này làm được, người khác cũng sẽ dần làm được. Đó là động lực để nhân rộng những mô hình kinh tế mới, hiệu quả và thúc đẩy phong trào thi đua làm giàu ở mỗi hộ nông dân. Và với vai trò là “bà đỡ” của người nông dân nên Hội Nông dân luôn tìm mọi cách để hỗ trợ họ sản xuất, tạo điều kiện để người nông dân phát huy khả năng sáng tạo trong phát triển kinh tế, biến tấc đất thành tấc vàng.

Cũng nhờ suy nghĩ ấy, Hội Nông dân đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với nông dân, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của họ, kết nối nông nghiệp, nông dân với doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người nông dân. Những năm qua, hàng nghìn lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hàng trăm mô hình trình diễn, hội thảo đầu bờ đã được tổ chức cho hàng vạn hội viên tham gia, học tập kinh nghiệm. Hội nhận ủy thác vốn vay gần 700 tỷ đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Tổ chức tốt phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững” thu hút nhiều gia đình hội viên đăng ký tham gia. Năm 2015, toàn tỉnh có hơn 27.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, có trên 2.500 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, trên 400 hộ đạt cấp trung ương.

Xuân này, có thêm nhiều hộ nông dân hân hoan vui mừng với những thành quả gia đình nỗ lực đạt được trong năm. Một cái tết đoàn viên, ấm cúng và đủ đầy sẽ là niềm hạnh phúc, là hiện thực hóa những ước mơ làm giàu của người nông dân miền núi. Và chính họ là những người đã và đang tạo nên điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của tỉnh Sơn La hôm nay.

Tặng Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới