Huyện Yên Châu hiện có trên 24 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích đất sản xuất cây trên nương hơn 17 nghìn ha, chủ yếu là đất dốc đã bạc màu.

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, huyện đang tập trung lãnh đạo chuyển đổi diện tích đất trồng cây hàng năm trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng mới một số loại cây ăn quả có lợi thế, nâng diện tích cây ăn quả của huyện từ 1.895 ha năm 2014 lên 2.581 ha năm 2015, trong đó diện tích cho sản phẩm 1.547 ha, diện tích chăm sóc 398 ha. Riêng diện tích trồng mới năm 2015 đạt hơn 700 ha, gồm 215 ha nhãn, 173 ha xoài, 148 ha mận, 124 ha chuối và 43 ha cây ăn quả khác.
Tìm hiểu được biết, hiện nay một số hộ tại xã Tú Nang, Lóng Phiêng đã mạnh dạn đốn tỉa và ghép giống nhãn chín muộn giống gốc từ Hưng Yên; mô hình ghép xoài Đài Loan, xoài Thái, sau một năm cho sản phẩm năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, bán được giá. Ông Hoàng Văn Hoan, Trưởng bản Lắc Kén, xã Tú Nang cho biết: Để việc triển khai trồng cây ăn quả trên đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện đã tổ chức cho nhân dân các xã đến tham quan để nhân rộng, nhiều hộ đã đầu tư trồng mới từ 4 - 5 ha các giống nhãn, xoài Thái, xoài Đài loan. Các hộ có đồi xoài, nhãn, chuối đều có thu nhập trên dưới một trăm triệu đồng, có một số hộ đạt doanh thu từ 1- 2 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân trên 1ha cao hơn hẳn trồng ngô.
Tuy đã có một số xã chuyển sang trồng cây ăn quả, nhưng chưa thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nên sản lượng quả còn thấp, tính cạnh tranh không cao, khó tiêu thụ trên thị trường. Chưa thực hiện được liên kết 4 nhà, chưa có sự ràng buộc thích hợp lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và người nông dân. Chưa hình thành chuỗi hệ thống sản xuất, thu gom, bảo quản, chế biến, tiêu thụ các loại quả dẫn đến hiệu quả sản xuất đạt chưa cao. Tuy cây xoài đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lí, huyện đã thành lập được Hội trồng và tiêu thụ xoài nhưng hoạt động chưa hiệu quả; ngoài ra các sản phẩm cây ăn quả khác chủ yếu vẫn là do người dân tự tiêu thụ tại chỗ và một phần được các thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua tại vườn, do vậy còn khó khăn cho người nông dân trong khâu kết nối, tiêu thụ sản phẩm quả các loại.
Trong thời gian tới, huyện Yên Châu tập trung chỉ đạo chuyển một phần diện tích đất trồng cây hàng năm sang trồng một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao có lợi thế địa phương như: Xoài, nhãn, chuối, mận; tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất cây ăn quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quả các loại, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, tăng thu nhập cho người trồng cây ăn quả, như: Cải tạo vườn xoài già cỗi, theo hướng ghép cải tạo giống mới có chất lượng tốt, phát triển trồng mới thêm 150 ha xoài Đài Loan, xoài Thái tại một số xã có lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp, chủ yếu các xã dọc quốc lộ 6 và vùng dọc đường tỉnh lộ 103 của các xã vùng cao biên giới, phấn đấu đến năm 2020 diện tích xoài khoảng 800 ha. Tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân đầu tư ghép cải tạo những diện tích nhãn cho hiệu quả kinh tế thấp bằng các giống nhãn chín sớm PHS-1 và giống nhãn chín muộn PHM99-1.1; phấn đấu đến năm 2020 trồng mới thêm khoảng 100 ha tại các xã vùng quy hoạch, đưa diện tích nhãn khoảng 900 ha. Tập trung phát triển vùng nguyên liệu chuối tại các xã dọc quốc lộ 6 bằng giống chuối tây (địa phương) và chuối cấy mô; phấn đấu đến năm 2020 trồng mới khoảng 300 ha, nâng tổng diện tích chuối khoảng 700 ha. Tiếp tục chỉ đạo các xã vùng cao, biên giới Lóng Phiêng, Chiềng Tương, Phiêng Khoài, Yên Sơn phấn đấu đến năm 2020 trồng mới thêm khoảng 200 ha mận, nâng tổng diện tích mận khoảng 300 ha. Huyện sẽ từng bước phát triển trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất an toàn, tập trung, chuyên canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp với tiểu vùng khí hậu, đất đai và tập quán canh tác, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Đẩy mạnh sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài huyện vào tham gia liên kết với nông dân, đầu tư phát triển các vùng cây ăn quả hiện có của huyện và đầu tư phát triển trồng mới một số loại giống cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao, thực hiện tốt việc bao tiêu sản phẩm. Thành lập các Hợp tác xã nông nghiệp để làm đầu mối liên kết giữa sản xuất và bao tiêu sản phẩm quả trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!