Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 800 doanh nghiệp và 95 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp, HTX đã khẳng định được vị trí, vai trò trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất cho nông dân, tạo việc làm cho lao động nông thôn và đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất, hằng năm tỉnh ta đã bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý trong doanh nghiệp, HTX. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay đã tổ chức đào tạo cho 10.500 lao động về chăn nuôi, chế biến nông sản, lâm nghiệp, kỹ thuật trồng trọt, xây dựng, sửa chữa máy móc, cơ khí..., góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật và thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản; cấp chứng chỉ sở hữu công nghiệp, văn bằng về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho một số sản phẩm, như chè shan tuyết, chè ô long Mộc Châu, cà phê, mật ong Sơn La... Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta cũng đã chấp thuận đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp 52 dự án, chủ yếu tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, với tổng vốn đăng ký 6.668 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện gần 600 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn đăng ký gần 10 triệu USD, đã thực hiện 9 triệu USD. Nhìn chung, các doanh nghiệp FDI đã thực hiện đúng các cam kết về đầu tư và chấp hành tốt quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện các chương trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và tuyển dụng lao động địa phương.
Có thể khẳng định, với sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đã góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn với thị trường. Đến nay, giá trị thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng/ha; hạ tầng nông thôn được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, các doanh nghiệp, HTX sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế, phần lớn đội ngũ quản lý chưa được đào tạo cơ bản, thiếu đội ngũ công nhân có tay nghề mà chủ yếu là lao động phổ thông theo thời vụ. Việc đào tạo nguồn nhân lực của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa tự chủ được nguồn vốn, khả năng tiếp cận với vốn tín dụng còn hạn chế. Tiềm năng về đất đai, lao động của tỉnh chưa được khai thác hiệu quả, năng suất, chất lượng một số sản phẩm được coi là thế mạnh của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường; công nghiệp chế biến nông sản còn hạn chế so với tiềm năng của các vùng nguyên liệu, chủ yếu tiêu thụ sản phẩm thô, giá trị thấp, như cà phê, ngô... Quy mô của các HTX nông nghiệp còn nhỏ lẻ, hoạt động chủ yếu làm dịch vụ cung ứng giống, phân bón, nhiều HTX vẫn hoạt động theo mô hình cũ. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả quan trọng, song chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung vào xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân còn nhiều hạn chế.
Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh ta đã ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015-2020. Đồng thời, triển khai các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa tại các vùng kinh tế trọng điểm, như Mộc Châu, Vân Hồ và Thành phố. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp HTX, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh đúng định hướng, hiệu quả; tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt các cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, HTX thực hiện chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đối với các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Các doanh nghiệp, HTX cần phối hợp tốt với các ngành chức năng của địa phương, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, xây dựng liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp - HTX và hộ gia đình theo chuỗi liên kết ổn định, bền vững và có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!