Huyện Mộc Châu có điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm nông sản đặc sản, sản lượng nông sản ngày càng tăng nhờ ứng dụng các giải pháp về giống, công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến.
Xã viên HTX nấm Thảo Nguyên, tiểu khu 1, xã Mường Sang (Mộc Châu) thu hoạch nấm.
Vườn rau hơn 7.000 m2 của gia đình chị Nguyễn Thị Hương, xã viên HTX rau an toàn Tự Nhiên, bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu) mang lại cho gia đình khoản lợi nhuận từ 350-400 triệu đồng/năm. Từ một nông dân nghèo, phải đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống, sau hơn 5 năm tham gia tổ hợp tác, nay là HTX rau an toàn Tự Nhiên, chị Hương đã trở thành một trong những điển hình về phát triển kinh tế ở địa phương. Mỗi năm gia đình chị thu hoạch 15 tấn cà chua, 10 tấn đậu leo, cùng với các sản phẩm của HTX cung ứng sản phẩm rau, củ sạch cho các siêu thị của Công ty Nhất Nam, Metro, BigC, siêu thị Nhất Việt (Hà Nội)... Theo chị Hương: Tham gia HTX, chúng tôi được tư vấn, hỗ trợ về quy trình, kỹ thuật chăm bón nên chất lượng sản phẩm được nâng lên, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên chúng tôi không phải lo về đầu ra cho sản phẩm. Cũng như mô hình rau sạch, mô hình HTX nấm Thảo Nguyên ở tiểu khu 1, xã Mường Sang với các sản phẩm như: nấm sò, nấm linh chi và mộc nhĩ... đã tạo việc làm ổn định và thu nhập từ 4-7 triệu đồng/tháng cho 32 xã viên.
Hiện nay, huyện Mộc Châu có 7 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm bước đầu được tăng cường. Trong số 9 tổ chức sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, có 6 HTX, doanh nghiệp là: HTX dịch vụ nông nghiệp 19/5, HTX rau an toàn Tự Nhiên xã Đông Sang, HTX Doanh Nga xã Đông Sang, Công ty RASA xã Mường Sang, HTX nông nghiệp dược liệu Mộc Châu Xanh, Công ty CP Green Farm và 3 tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ rau an toàn là: Tổ hợp tác rau an toàn Ta Niết, xã Chiềng Hắc, Tổ hợp tác rau an toàn An Thái, xã Mường Sang, Tổ hợp tác rau an toàn Bãi Sậy, xã Mường Sang. Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Hoạt động của các HTX tuy ổn định nhưng phát triển chậm. Quy mô sản xuất nhỏ, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường; các HTX chưa tạo được thương hiệu trên thị trường; chưa chủ động trong việc tìm kiếm nguồn tiêu thụ. Vì vậy, việc thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác để thực hiện chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất, giúp các hộ nông dân đoàn kết, liên kết trong sản xuất, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm là một trong những giải pháp giúp nông dân đạt thu nhập cao trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời thực hiện thành công tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Hiện, Mộc Châu đang tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012; tăng cường tập huấn, hướng dẫn giúp nông dân nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, kinh nghiệm sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện để các hộ nông dân được hưởng các chính sách ưu đãi, được tiếp cận với các chương trình, dự án; cung cấp vật tư, thu mua sản phẩm, chế biến sản phẩm và ký kết hợp đồng với các nhà hàng, cửa hàng, công ty, siêu thị, bếp ăn tập thể... trên địa bàn huyện Mộc Châu, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước để tiêu thụ sản phẩm...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!