Ngày 3/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tổ chức Hội thảo phát triển sinh vật cảnh với nông nghiệp, nông thôn và đô thị sinh thái.

Hội thảo tập trung thảo luận những chủ đề chính: phát triển sinh vật cảnh gắn với vấn đề nông nghiệp, nông thôn và đô thị, phát triển kinh tế sinh vật cảnh trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới và tái cấu trúc ngành nông nghiệp; những mô hình phát triển sinh vật cảnh tiêu biểu; ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất hoa cây cảnh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đào tạo nghề sinh vật cảnh – thực trạng và giải pháp.
Tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa-cây cảnh Đặng Văn Đông nhấn mạnh, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế, cuộc sống của người dân được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng hoa, cây cảnh cũng tăng lên nhanh chóng. Sự phát triển sản xuất hoa, cây cảnh nói riêng và các sản phẩm sinh vật cảnh nói chung đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn hộ gia đình, đóng góp không nhỏ vào GDP của ngành nông nghiệp. Thông qua đó góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.
Phó Viện trưởng Đặng Văn Đông cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển sinh vật cảnh. Theo kết quả điều tra khảo sát của Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa-cây cảnh, trung bình một năm người Việt Nam chi xấp xỉ 30.000 đồng tiền mua hoa cây cảnh để chơi. Nếu tính về giá trị tiền chưa bằng một số nước có GDP cao nhất thế giới nhưng tính về số lượng cành hoa/đầu người, Việt Nam đứng ở thứ hạng cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có nhiều địa hình khác nhau với nhiều loại khí hậu, do vậy, có nhiều điều kiện để phát triển nhiều các chủng loại hoa, cây cảnh đa dạng về màu sắc, hình dáng, đáp ứng được nhu cầu quanh năm của người dân. Đồng thời, nguồn lao động dồi dào, sáng tạo; trợ giúp của công nghệ và khoa học kỹ thuật,…là những điều kiện quan trọng tạo điều kiện cho phát triển sinh vật cảnh của Việt Nam.
Cũng theo Phó Viện trưởng Đặng Văn Đông, nhằm phát triển một số chủng loại hoa, cây cảnh có giá trị cao, trong thời gian tới cần chú trọng đến nhiều công tác thiết thực. Cụ thể, trước khi quyết định đầu tư, người sản xuất cần nắm bắt những thông tin về nhu cầu thị trường, thực trạng sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp, mức độ thiếu hụt, giá thành sản xuất. Thông qua đó xây dựng phương án kinh tế, dự tính hiệu quả sản xuất và mức độ rủi ro. Đồng thời, khi đầu tư vào một đối tượng hoa, cây cảnh, người sản xuất cần nắm được những lợi thế về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, nguồn lao động, thị trường,…Mặt khác, để sản xuất hoa, cây cảnh thành công, cần gắn kết các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật và những người sản xuất kinh doanh có kinh nghiệm.
Đánh giá cao vai trò của sinh vật cảnh trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần mang lại môi trường sinh thái đẹp, theo Ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), để tiếp tục phát huy vai trò của Hội Sinh vật cảnh, Trung ương Hội, các tổ chức Hội cần nghiên cứu kỹ các chương trình phát triển của ngành nông nghiệp như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới,…Thông qua đó, đề xuất những nội dung phù hợp với nhiệm vụ của Hội. Tiếp tục phát triển về tổ chức và hội viên, cùng với các hộ cá thể tham gia xây dựng nông thôn mới. Bộ NN&PTNT sẽ cùng nghiên cứu cùng Hội về giống, công nghệ kỹ thuật,…nhằm tiếp tục cải thiện các sản phẩm sinh vật cảnh.
Ghi nhận những đóng góp của các tập thể và cá nhân của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có thành tích trong phát triển sinh vật cảnh gắn với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Bộ NN&PTNT đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 23 cá nhân. Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cũng đã vinh danh trên 150 nghệ nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!