Rà soát pháp luật về cam kết Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU

Sáng 1/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết về Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)”.

Hình ảnh tại Hội thảo.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là một trong hai Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất của Việt Nam, được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới thể chế pháp luật và kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Một trong những lĩnh vực của EVFTA được cho là sẽ có tác động trực tiếp và lớn tới hệ thống pháp luật Việt Nam là các cam kết trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. 

Rà soát do VCCI thực hiện nhằm  xác định các quy định khác biệt, chưa tương thích giữa pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ với các cam kết cụ thể của EVFTA, từ đó đề xuất giải pháp sửa đổi pháp luật và thực thi từ góc độ của doanh nghiệp Việt Nam nhằm đảm bảo tuân thủ Hiệp định theo cách thức có lợi nhất cho các doanh nghiệp. Cụ thể, pháp luật Việt Nam hiện hành đã tương thích với đa số các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA ở cả 03 chế định lớn là các nguyên tắc chung về bảo hộ sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ và các yêu cầu về biện pháp thực thi tại biên giới. Đối với các nghĩa vụ “đã tương thích” này, khi thực thi EVFTA, về nguyên tắc Việt Nam sẽ không phải điều chỉnh, sửa đổi hay bổ sung bất kỳ nội dung nào của các văn bản pháp luật hiện hành. Dù vậy, cần lưu ý rằng rất nhiều nghĩa vụ trong EVFTA không chỉ bao gồm nghĩa vụ bảo hộ mà còn là yêu cầu bảo hộ “đầy đủ” (adequate), “hiệu quả” (effective). Trong khi đó, thực tế thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam có nhiều bất cập, và có lẽ còn ở mức độ hiệu quả khá xa so với yêu cầu. Do đó, Nghiên cứu Rà soát khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền tập trung vào công tác thực thi trên thực tiễn để đảm bảo thi hành hiệu quả các nghĩa vụ mà pháp luật Việt Nam “đã tương thích”.

Tại hội thảo Ông Andrew Holt, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã thể hiện sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu được thực thi sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư và tăng trưởng kinh tế và 28 nước thành viên của EU. Tuy nhiên, hiện việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn là thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Nhóm rà soát cũng cho rằng, đối với các trường hợp pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ hoặc không tương thích một phần với cam kết của Hiệp định cần điều chỉnh, sửa đổi bổ sung pháp luật chung áp dụng cho mọi chủ thể thay vì xây dựng một văn bản riêng chỉ áp dụng cho EU. Nghiên cứu rà soát cũng đề xuất cần tăng cường công tác thực thi để đảm bảo tính nghiêm minh của các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và tuân thủ một cách thực chất các cam kết của Hiệp định.

 Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng nhóm rà soát, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đánh giá: Rà soát phát luật là bước đầu tiên, những bước tiếp theo là rà soát việc thực thi không chỉ là ở hiện trạng thực thi mà là cả ở năng lực trong tương lai về thực thi các cam kết để sau đó, chúng ta có những biện pháp điều chỉnh những biện pháp thực thi. Thứ 2, cần chú trọng đến về mặt hiệu quả trên thực tế về năng lực của các cán bộ thực thi cũng như là các chủ thể có liên quan và các cơ chế nhằm để đảm bảo thực thi để thực hiện tốt hơn khi Hiệp định được thực thi trong thời gian tới. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu là một trong hai Hiệp định thế hệ mới lớn nhất và dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới thể chế pháp luật và kinh tế của đất nước. Trong đó, chương về Sở hữu trí tuệ là chương lớn với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ. Vì vậy, việc rà soát này là cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm tận dụng những lợi thế từ Hiệp định vào năm 2018 tới.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp, chuyên gia cũng đưa ra các ý kiến bình luận rất xác đáng để Nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện Rà soát.

Đây là hoạt động thứ hai trong chuỗi các hoạt động Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA trong 05 lĩnh vực quan trọng (đấu thầu, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thuận lợi hóa thương mại, minh bạch) mà Trung tâm WTO và Hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ của Đại sứ quan Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam./


Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới