Xím Vàng mùa lúa chín

Đến Xím Vàng (Bắc Yên) mùa này, những thửa ruộng uốn lượn theo sườn đồi hoặc trải theo các thung lũng đều nhuốm màu vàng rộm của lúa chín!

Bà con xã Xím Vàng (Bắc Yên) thu hoạch lúa.

 

Xím Vàng nằm ở độ cao gần 1.500m so với mặt nước biển, địa hình có độ dốc lớn, khó khăn trong việc trồng lúa so với các địa phương khác. Bởi thế, người dân thường chọn những quả đồi thấp, độ dốc vừa phải, tận dụng nguồn nước suối từ trên núi cao dẫn xuống để khai hoang ruộng bậc thang. Theo thống kê, diện tích cây lương thực có hạt của Xím Vàng hiện có trên 800 ha (lúa mùa trên 286 ha, lúa nương 375 ha, diện tích trồng ngô 148 ha... ), lúa mùa chủ yếu ở 4 bản: Sồng Chống, Xím Vàng, Háng Gò Bua và Cúa Mang. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên phối hợp với xã hướng dẫn nhân dân, chuẩn bị đủ giống, kỹ thuật  làm đất, triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh; kiểm tra các công trình thủy lợi, khơi thông dòng chảy, điều tiết nước hợp lý vào ruộng.

 

Dẫn chúng tôi tới thăm khu ruộng của bản Xím Vàng, ông Mùa A Khay, Chủ tịch UBND xã phấn khởi: Vụ mùa này, bà con cấy giống lúa Nhị ưu 838, đây là giống cho năng suất cao, ít sâu bệnh. Nhờ đảm bảo đủ nước, bón phân đúng và đủ nên lúa phát triển tốt, năng suất vụ này bình quân ước khoảng 40 - 50 tạ/ha, nhiều thửa ruộng cho năng suất trên 50 tạ/ha, sản lượng ước khoảng 1.700 tấn. Được mùa, bà con phấn khởi lắm! Còn anh Giàng A Thái, bản Xím Vàng cho hay: Nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây lúa nên chỉ với gần 3 ha ruộng lúa nước nhưng mùa này nhà tôi chắc chắn thu trên 10 tấn thóc.

 

Phát triển lúa nước là một trong những nội dung quan trọng trong đề án phát triển kinh tế 5 xã vùng cao của huyện Bắc Yên, vừa tích cực khai hoang ruộng nước, vừa thu hẹp dần diện tích lúa nương. Theo đó, Xím Vàng phấn đấu đến hết năm 2015, mỗi gia đình có 1 ha ruộng nước, góp phần đảm bảo lương thực tại chỗ.

 

Việc canh tác lúa nước ở xã Xím Vàng trên những thửa ruộng bậc thang không chỉ mang nét văn hóa độc đáo mà còn cho năng suất cao và ổn định, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt góp phần hạn chế việc chặt phá rừng làm nương. Điều mừng hơn cả là sau mỗi mùa lúa chín, thu nhập của bà con tăng thêm, bởi năng suất lúa năm sau lại cao hơn năm trước, điều đó khẳng định người dân nơi đây đã có sự thay đổi về nhận thức trong sản xuất, biết thâm canh tăng năng suất, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, cuộc sống ngày càng cải thiện.

 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới